Kỷ yếu - tập san

Trú rét

Trú rét

Administrator
Truyện ngắn của Vũ Thanh Lịch

...Ai ngờ, cái "ngày mai đến lớp" ấy, Chu đã đợi cả đời dạy học mà không được, nó vẫn chỉ là "ngày mai". Đến tận bây giờ, khi đã trải qua bao nhiêu ngôi trường, đã thắp lửa cho bao nhiêu lứa học trò, Chu vẫn đợi, vẫn hy vọng một dịp nào đó, một lần nào đó, trong một buổi thỉnh giảng hay một buổi nói chuyện nào đó, ông sẽ gặp được Hùng. Ông đã đi khắp nơi, nói chuyện và giảng bài khắp nơi không kể xa gần, không kể những cuộc tọa đàm sang trọng hay chỉ là buổi nói chuyện chuyên đề nho nhỏ ở một vùng xa xôi hẻo lánh, ở đâu ông cũng hy vọng một cơ duyên nào cho ông gặp lại Hùng...

Hết mùa thu. Lá bàng rơi loạt soạt. Đêm tối như bưng. Rét đến tận xương tuỷ. Lữ khách đẩy cửa bước vào, nhìn Chu với con mắt thận trọng:

- Chào ngài. Ngài cho tôi trú rét một đêm!

- Trú rét! - Chu lẩm bẩm.

- Tất nhiên! - Lữ khách nói, không bộc lộ một ngữ điệu nào - Có thể ngài đã quên. Tôi thì nhớ. Nhưng ngài sẵn lòng cho tôi ngủ nhờ một đêm chứ? Ít ra tôi không phải là Giăng Văn Giăng, mà ngài cũng chẳng thể là Đức giám mục Mirien được. Trời không rét đến mức tôi chết cóng dưới nền nhà của ngài.

Sau một phút ngỡ ngàng, Chu định thần lại, ngắm kỹ vị khách trước mặt. Một gã ăn mày rách dưới bẩn thỉu... Không, hắn là một tên côn đồ thì đúng hơn. Bộ dạng cường tráng khoẻ mạnh, ăn mặc rách rưới theo kiểu mấy ca sĩ thời thượng lên sân khấu. Họ sạch sẽ bóng bẩy còn hắn lếch thếch, bẩn thỉu. Đôi mắt hắn lạnh như đồng tiền cạch, sáng như mắt mèo trong bóng đêm. Hắn trẻ, bộ râu quai nón um tùm. Không phải người. Nhất định là quỷ. Hắn gầy xơ xác, chân tay lòng khòng. Hắn như bộ xương người trong tranh vẽ ở phòng thiết bị dạy sinh vật. Chu lùi lại vài bước với tay trên công tắc điện. Bộ dạng ông già lọm khọm, hoảng hốt, chừng như đã lấy hết can đảm để bình tĩnh nhận diện khách. Lữ khách thay đổi hình dạng luôn xoành xoạch theo các vị trí đứng của hắn trong nhà ông. Điện đỏ chói lóe từ sợi tóc cong queo trong hộp thuỷ tinh, làm quáng thêm đôi mắt vốn đã không còn sáng của Chu. Ông cố gắng một lần nữa thật bình tĩnh, lấy lại khẩu khí như mọi ngày:

- Thôi được, ông cứ ở lại, nhưng xin ông cho biết quý danh.

- Tôi không có quý danh, thưa ngài. Tôi chỉ có một tên tục để cúng cơm. Nhưng mà chả biết có ai cúng cơm cho tôi - Sau một tiếng thở dài, lữ khách lẩm bẩm, tiếng nói phảng phất trong không gian đặc quánh của đêm đông.

- Tôi chỉ ước sao khi chết được lên thiên đàng, tìm được những người mình đã mắc nợ họ, cầu xin họ tha tội, cầu xin một cái gì âm ấm! Cầu xin... chứ đời này, làm gì có ai cúng cơm cho tôi...

- Rõ khỉ!

Chu lẩm bẩm một mình. Khách cởi áo, vắt lên thành ghế, gần ngay chỗ Chu ngồi rồi để mình trần lăn xuống nền gạch men bóng loáng, lạnh buốt. Chỉ một lúc hắn đã kéo gỗ ầm ầm. Chưa đầy năm phút hắn lại vùng dậy.

- Mẹ kiếp! Nền nhà gì như nước đá, nền đường còn ấm bằng vạn. Tim nhà giầu cũng lạnh băng như nền nhà vậy...

Chu im lặng. Ông đã hết sợ từ khi nhìn hắn lăn ra ngủ, một giấc ngủ gấp gáp, vội vàng và cô lạnh, giấc ngủ hắn vừa đánh cắp được thì phải. Dù sao, hắn ngủ cũng lương thiện như khi người ta mới sinh ra. Cái dáng nằm của hắn, vừa thơ dại, vừa tội nghiệp. Nhìn kỹ, tướng mạo hắn không có vẻ côn đồ, cũng không có vẻ hèn mạt, bần tiện. Trong mớ suy nghĩ đầy ngây thơ và ảo tưởng của những kẻ có dây dưa chút ít đến văn chương, Chu chợt nảy ra những ý nghĩ lạ lùng: "Chẳng lẽ thượng đế thử ông để ban phước???...". Ông bật cười trong bụng, hỏi khách bằng một giọng khác hẳn:

- Này, ăn gì chưa ?

Khách qua phút chợp mắt vội vã, nhận thấy chủ nhà vẫn chong đèn bên cạnh, hắn đổi giọng:

- Thưa ngài, tôi không đói... Xin cảm ơn...

Hắn ngóc đầu nhìn Chu dò xét trong giây lát. Đôi mắt hắn trở nên lơ đễnh, thản nhiên, rồi hắn lại nằm ềnh ra giữa nhà, nhìn chăm chú lên những hạt pha lê lấp lánh của chùm đèn Tây trên trần, những hạt pha lê trở nên bí ẩn khi được chiếu rọi bởi chút ánh sáng ít ỏi tỏa ra từ bóng đèn nhỏ ông đang dùng trong góc phòng. Những hạt pha lê khiến mắt hắn loang loang những đốm sáng xa xăm. Chu khẽ lắc đầu, cười thầm trong bụng: "Hắn giống như một đứa trẻ con". Càng nhìn hắn, ông càng cảm thấy có gì đó quen quen. Ông cố gắng nhớ, cố gắng lục lọi đến "thâm sơn cùng cốc" trong đầu óc uyên bác của ông... Nhưng vẫn chỉ thấy quen quen. Là cái quen mà trực giác mang đến, tuyệt nhiên không một gợi nhớ hiện hữu rõ ràng nào...

Đột nhiên, khách đứng dậy, nhanh như khi hắn ào vào nhà, vơ nhanh cái áo trên thành ghế trong chớp mắt. Cái áo rách te tua. Hắn vỗ vai ông rồi quay mặt ra cửa, vừa bước vừa nói:

- Xin lỗi ngài, xin lỗi ngài, tôi ngủ no rồi, tôi đi ạ!

- Thế còn... rét? - Ông giật mình hỏi rất nhanh như một phản xạ bất ngờ khiến khách thoáng chút giật mình ngoái đầu lại rất nhanh rồi lại quay về phía bóng đêm buốt giá ngoài cửa, nói vọng lại, đầy trịnh trọng:

- Tôi chịu được, thưa ngài.

Hắn lách qua cửa, nhanh chóng chìm vào màn đêm đen buốt. Sợi tóc chói lóa của bóng điện rọi lên người hắn. Nơi tấm áo hắn đang xốc lên vai lướt qua mắt ông hai chữ: "Giang hồ", nét chữ xăm vuông nhọn, góc cạnh trên bả vai hắn đập vào đôi mắt mờ mờ của ông rồi mất hút vào bóng đêm đen đặc. Ông lao vội ra cửa: "Hùng, phải Hùng đó không?". Tiếng đáp sát ngay bên tai ông, thoảng như gió, u u như tiếng thở thật dài: "Thưa thầy, con là Hùng đây ạ!".

Minh họa: Lê Trí Dũng.

 

Ông choàng dậy, trán lấm tấm mồ hôi. Gió từ cửa sổ tốc vào chỗ ông ngồi, từng luồng lạnh buốt. Ông rùng mình, mùi rượu Napôlêông vẫn còn phảng phất theo mỗi nhịp thở gấp gáp của ông.

Hồi chiều, mấy cậu học trò cũ mang đến biếu ông chai rượu ngoại. Đó là mấy cậu học trò từ thời ông mới đi dạy được vài năm, chúng lớn rồi trở thành người thân như bạn, nhưng chưa khi nào chúng gọi ông bằng cái danh xưng khác chữ thầy, thành ra trong ông luôn có một niềm hãnh diện sung sướng. Nhưng cũng không vì thế mà ông quên mất rằng chỉ cần ông cư xử với chúng theo kiểu một ông thầy kẻ cả thì chúng cũng chẳng thèm gọi ông là thầy nữa. Mấy thầy trò rang lạc, nướng ngô nếp, với vài đồng bánh đa dừa và uống rượu Tây. Một cậu còn bảo, kể ra thì phải uống cái chai nút lá chuối, nhưng hôm nay thầy trò mình nửa tây nửa ta một bữa xem có gì hay không. Thầy trò lai rai kể chuyện tâm tình suốt cả buổi. Từ chuyện đi lao động đào móng xây trường, thay cái trường lợp cỏ tranh bằng cái trường lợp ngói đến chuyện bên Tây người ta ăn uống nhảy múa hát ca, rồi cả chuyện quan điểm này, lý thuyết nọ. Những câu chuyện cứ vắt vào nhau, chèn vào nhau rồi đi xa tít mù, rồi lễnh đễnh với sương chiều bạt nhạt, rồi tàn cuộc vui, rồi cạn đáy chai, lâng lâng men say.

Tối đến, ông lại vùi đầu vào bài vở, viết lách, ông già rồi, chỉ thi thoảng mới lên lớp một vài buổi, còn lại thời gian ngoài đọc và viết ra, ông chả biết làm gì. Có nhiều thứ giá ông đọc được từ hồi còn đi dạy học thì tốt biết mấy. Tiếc, nhưng chả làm sao được, nên ông lại viết, thấy cái gì hay hay thì viết, biết đâu có ai đó cần, hoặc ít ra có ai đó vô tình xem được, cũng đỡ cho họ phải luyến tiếc như ông bây giờ. Đêm càng lúc càng lạnh, thành phố của ông nằm giữa bốn bề núi nên càng về khuya, cái lạnh từ khắp các đỉnh núi càng dồn đổ về, khiến ông không thể cố gắng thêm được nữa. Ông thấy đầu óc bay bay, thi thoảng một cơn buốt lạnh vút qua rồi toàn thân ông sực nóng, cái nóng lạnh cứ râm ran chạy từ chân lên đầu rồi từ đầu xuống chân.

Ông lên giường nằm, đặt lưng xuống giường, từng đốt xương sống rơi lục cục trên chiếu, đầu óc mênh mang nhưng càng nhắm mắt sâu đầu óc ông càng trong veo, không thể ngủ được. Ông vắt tay lên trán, chèn chặn những ý nghĩ lung tung trong đầu, nhưng không được. Ông miên man nửa như thức mà cũng không phải thức, có thể ông vừa đi qua một giấc mơ, một giấc mơ vội vã, hoặc là giấc ngủ vừa chạm đến ông thì bị ai đó cướp đi mất.

Nhưng những hình ảnh vừa lướt qua tâm thức ông khiến ông day dứt. Ông nghĩ đến quãng thời gian bốn mươi năm dạy học, lăn lộn từ trường bé đến trường to, từ cấp hai đến cấp ba, rồi thậm chí ông còn dạy cả trường cao đẳng, khi trường cao đẳng của ông thành đại học thì ông cũng nghỉ hưu. Bằng ấy thời gian, bằng ấy thăng trầm, bao nhiêu học trò của ông đã công thành danh toại, đi khắp năm châu bốn biển, có đứa ở lại quê hương cũng thành ông này bà nọ, lẽ ra ông được thanh thản, mãn nguyện và tự hào lắm lắm. Vậy mà mỗi lần nhớ đến Hùng, ruột gan ông như bị ai hun lửa. Ông nhìn đăm đắm vào tấm huân chương đỏ chói của mình mà nghe như có tiếng oán hờn, trách móc.

Ông nghĩ ngược rồi lại nghĩ xuôi, rút cục ông thấy mình vẫn là người may mắn. Xưa nay người đời khi có trong tay đủ tiền tài địa vị, còn mấy ai nhớ đến thầy dạy của mình, nhất là ông thầy dạy học từ thuở còn để chỏm. Ông thì có, thậm chí có không ít. Cả đời ông chỉ làm một việc duy nhất là đi tìm cái hay cái đẹp của văn chương rồi nhào luyện, gạn lọc, rồi mang đến cho lũ học trò, ông cho chúng hết, gạn chắt được bao nhiêu ông mang hết cho chúng. Mà lạ, càng cho chúng nhiều, ông càng thấy có nhiều, y hệt như đàn bà cho con bú, trẻ con bú nhiều đến đâu, sữa ra nhiều đến đó, ra mãi chẳng hết. Nhưng đàn bà cai sữa con thì sữa cạn, ông không đi dạy học nữa thì chữ nghĩa càng keo sánh lại, vậy là ông phải viết.

Học trò của ông cũng không ít đứa theo nghiệp của ông, nó thỉnh thoảng vẫn mang chữ của ông ra dùng, rồi động viên ông viết, qua lại với ông như bạn bè thân hữu. Nhiều đứa làm nhiều công việc khác nhau, thi thoảng kéo đến nhà ông lai rai chuyện trời chuyện đất. Ngẫm cho cùng từ chính khách cao sang đến thằng lưu manh khốn khổ, từ kẻ giàu nứt đố đổ vách đến kẻ bần cùng mạt hạng, cơ bản họ đều từng qua tay ông thầy cả. Những bậc anh hùng cho thầy vinh dự, kẻ tiểu nhân mang đến sự sỉ vả, hai cảm xúc ấy song song tồn tại trong tâm tính loài người, cũng có khi cái nọ lấn lướt cái kia, nhưng chẳng khi nào tồn tại một xúc cảm duy nhất, với ông, vậy là ông mãn nguyện rồi.

                          *

Hùng có thể là một đứa có tương lai sáng sủa. Ông nghĩ và tin như vậy hoặc là ước mong như vậy. Mà đến cả cái sáng sủa với ông bây giờ ông cũng khó định danh quá. Sáng sủa như mấy thằng học trò mang rượu Tây đến lai rai với ông, hay sáng sủa như cái cậu nông dân thi thoảng đến mùa thu hoạch lại xách cho ông cân lạc khô mẩy, vài bắp ngô nếp căng tròn.

Mấy chục năm nay ông có tin gì của Hùng đâu, chỉ thi thoảng nó ào đến trong tâm thức ông một lát rồi đi.

Ông nhớ như in cái năm đầu tiên ông mới ra trường. Lớp có ba mươi hai học trò, mỗi đứa mỗi tính. Hùng làm ông chú ý nhiều vì nó rất thông minh nhưng nghịch ngợm cũng hàng đầu. Nó mang cái thông minh vào bài học thì ít mà mang vào các trò nghịch ngợm thì nhiều. Cũng có hôm nó ngồi trầm ngâm như ông cụ non cả buổi học, ai trêu chọc gì cũng kệ. Có khi ông thấy nó buồn xo đứng ngoài gốc cây, cũng có hôm nó leo lên ngọn xoài nằm vắt vẻo trên chạc cây hát nghêu ngao. Học trò lớp bảy như nó ông chưa từng gặp. Một buổi chiều ông cho các em học sinh đi lao động, rào vườn trường. Tranh thủ lúc học sinh làm ngoài vườn, ông vào gặp hiệu trưởng trao đổi công việc. Ông hiệu trưởng đang lấn bấn chuyện gì nên nhát gừng nhát tỏi với Chu. Mặc kệ, ông ấy là lãnh đạo, nói sao chả được, Chu vẫn cố gắng thêm vài câu tranh luận bảo vệ ý kiến của mình. Không ngờ, ông ấy ném luôn cuốn sổ lịch tuần đang cầm trên tay vào mặt Chu, thét lên như hổ báo. Chu nóng ran người, choáng váng, cảm giác cay đắng tràn ngập, ông lao ra khỏi phòng hiệu trưởng. Rồi ngồi bệt lên đầu hè dãy nhà học sát vườn. Cơn nóng giận hầm hập, hầm hập. Chưa lấy được thăng bằng thì một cậu học trò hớt ha hớt hải chạy đến, mặt xám ngoét, vừa nói nó vừa hổn hển:

- Thầy ơi... thưa thầy... bạn Kim... bị chảy máu, nhiều lắm...

Chu hớt hải chạy theo cậu học trò ra vườn. Hái vội nắm lá tọng đũa nhai đắp vào vết thương cho Kim, vừa đắp, ông vừa quát hỏi: "Làm sao mà bạn bị thế này?". Bọn trẻ nhao nhao chỉ vào Hùng, kể lể lí do vì sao cái liềm trên tay Hùng lại văng vào chân Kim. Nhưng ông nghe không rõ hoặc là ông không đủ tỉnh táo để nghe hết, hoặc là bọn học trò tranh nhau nói í éo nên ông không thể nghe nổi, ông chỉ nghe được vài tiếng: "Bạn Hùng, bạn Hùng, bạn Hùng...". Chỉ thế thôi. Ông quát nó. Nó gân cổ lên cãi. Cái cần cổ dài lêu nghêu nổi gân lên để đỡ cái mặt nhâng nhâng của nó ngửa lên nhìn ông, ra sức cãi, nhưng tay nó vẫn xé áo ra buộc nắm lá tọng đũa vào chân cho bạn. Nó xé nhanh hơn cả phản xạ của Chu. Chu không ngừng trút xả cơn giận lên Hùng. Nó càng cãi, Chu càng không tiếc những lời cay nghiệt. Hùng vốn thông minh, nó hiểu cả. Nó nhìn thầy bằng con mắt hờn giận, thách thức. Chu giận sôi lên. Nơi cái áo vừa bị xé toác đến tận vai đập vào mắt Chu một hình xăm vuông chành chạnh với mấy chữ: "Giang hồ". Chu dằn giọng: "Cậu đúng là một tên côn đồ vừa thoát khỏi nhà ngục. Không còn gì để nói về đạo đức của cậu nữa...". Hùng bật dậy như lò xo, trâng trâng nhìn thầy, hai mắt nó vằn đỏ. Rồi nó bỏ chạy. Chạy như ma đuổi. Bước chân nó bất chấp đất đá và gai góc. Cả lớp ngơ ngác nhìn theo. Chu quát: "Còn trông gì nữa, làm khẩn trương lên còn nghỉ chứ!". Cả lớp răm rắp nghe lời. Kim kinh ngạc nhìn thầy. Ý chừng thầy bớt nóng, nó run run hỏi: "Thưa thầy, sao thầy biết ạ!". "Biết cái gì?" - Chu hỏi lại. Thằng bé vẫn ngơ ngác: "Biết bạn ấy ở tù ra ạ!". "Sao?" - Chu ngạc nhiên hỏi lại. Thằng bé thấy thần sắc thầy thay đổi nên sợ, mãi một lúc sau mới dám nói: "Dạ, ngày xưa, mẹ bạn ấy… đẻ bạn ấy khi đang phải chịu tù ạ!".

Chu không còn nghe thấy gì nữa, hai tai ù đặc. Đầu óc choáng váng. Mặt râm ran nóng. Vị thầy giáo trẻ khọm lại như một lão già đi vô định về văn phòng. Thực ra ngay khi nói xong, Chu đã thấy mình quá lời. Cơn nóng giận đã làm Chu mất hết bình tĩnh. Chu định đuổi theo, gọi Hùng lại, nhưng sĩ diện của một thanh niên trẻ trước lũ nhóc quá cao, vả lại, trẻ con giận dỗi bỏ đi là chuyện thường, rồi mai đến lớp, Chu sẽ gặp riêng nó nói chuyện sau.

Ai ngờ, cái "ngày mai đến lớp" ấy, Chu đã đợi cả đời dạy học mà không được, nó vẫn chỉ là "ngày mai". Đến tận bây giờ, khi đã trải qua bao nhiêu ngôi trường, đã thắp lửa cho bao nhiêu lứa học trò, Chu vẫn đợi, vẫn hy vọng một dịp nào đó, một lần nào đó, trong một buổi thỉnh giảng hay một buổi nói chuyện nào đó, ông sẽ gặp được Hùng. Ông đã đi khắp nơi, nói chuyện và giảng bài khắp nơi không kể xa gần, không kể những cuộc tọa đàm sang trọng hay chỉ là buổi nói chuyện chuyên đề nho nhỏ ở một vùng xa xôi hẻo lánh, ở đâu ông cũng hy vọng một cơ duyên nào cho ông gặp lại Hùng...

Sau cái buổi chiều ấy, mà đúng ra, sau vài cái "ngày mai" mà Hùng không đến lớp ấy, Chu tìm đến gia đình Hùng, mới biết cậu bé sống với bà ngoại. Cũng từ đó, Chu đến thăm bà của Hùng thường xuyên hơn. Nhưng rồi bà cụ cũng mất sau hai tháng cháu bỏ đi. Sau đó nghe đâu người ta nhìn thấy ban đêm Hùng vẫn về ngồi bên mộ bà một mình. Chu tìm gặp, nhưng chỉ cần thoáng thấy bóng Chu từ xa nó đã bỏ chạy. Chạy như ma đuổi, như cái lần nó chạy khỏi vườn trường. Lần cuối cùng Chu nhìn thấy Hùng là hôm họ hàng sang cát cho bà cụ, nó thấp thoáng xuất hiện cùng với xe công nông chở gạch vào bãi tha ma, rồi biến mất, rất nhanh. Cho đến bây giờ, Chu vẫn bặt tin của nó.

                          *

Sáng ngày hôm sau, ông Chu không thể dậy khỏi giường. Vợ ông kê mấy cái gối cho ông dựa lưng ngồi ăn cháo tía tô, và xem tin tức buổi sáng. Cô phát thanh viên đọc một dòng tin điểm báo: "... số ra ngày hôm nay, đưa tin, vào một giờ mười lăm phút đêm qua, gần địa phận tỉnh H, lực lượng cứu hộ đã tìm thấy thi thể người đàn ông lao vào dòng nước xiết cứu các em học sinh bị lật thuyền khi qua sông đi học. Lực lượng cứu hộ không tìm thấy giấy tờ tùy thân. Đặc điểm nhận dạng, nạn nhân khoảng bốn lăm tuổi, cao 1,70m, mặt vuông, đặc biệt bên bắp tay trái có hai chữ: "Giang hồ"…

Ông Chu ngồi bật dậy như muốn ôm chầm lấy cái tivi rồi sau đó lại ngã vật ngay xuống giường, bất tỉnh

 

 

Nguồn : cand.com.cn

    GV đăng nhập xem TKB

    Tài khoản:
    Mật khẩu:

    Hướng dẫn đăng nhập

    HS đăng nhập xem điểm

    Tài khoản:
    Mật khẩu:

    Hướng dẫn đăng nhập

    Dạy và học Online

    Tuyển dụng nhân sự

    Bản đồ vị trí

    Bản đồ vị trí

    Thống kê truy cập

    • Đang truy cập: 10
    • Hôm nay: 919
    • Hôm qua: 3,864
    • Tuần này: 21,160
    • Tuần trước: 26,141
    • Tháng này: 104,492
    • Tháng trước: 349,187
    • Tổng cộng: 3,454,569

    Liên kết website

    Top