1. Đứa trẻ mê cổ tích là tôi, học văn cấp I, cấp II, cấp III bằng những cuốn sách giáo khoa thầy Viễn góp công biên soạn. Khi lớn hơn, lại được học thầy ở bậc đại học, rồi sau đại học. Lễ khai giảng khoa Ngữ văn Đại học Sư phạm Hà Nội năm học 1968 - 1969 của chúng tôi trước khi khai bút thì khai súng. Tiếng súng vút lên từ hàng quân danh dự của đội sinh viên tự vệ đội mũ rơm. Tiếng súng vang xa hơn theo lời thơ ứng tác của thầy chủ nhiệm khoa Lê Trí Viễn: Khai giảng năm nay có bắn súng. Tiếng súng nôn nao cả tấm lòng Xin hứa: quyết làm viên đạn nhỏ. Khỏi nòng chỉ biết có xung phong.
Đường đạn tứ tuyệt này dẫn chúng tôi đi tới cùng với niềm say mê văn chương. Những sinh viên văn khoa sư phạm ngày ấy, cả trước và sau khóa học đã xung phong theo nghĩa đẹp nhất của chữ này. Từ cổng trường đại học Sư phạm Hà Nội, những “viên đạn nhỏ” Phạm Tiến Duật, Vương Trí Nhàn, Nguyễn Khoa Điềm, Tô Hoàng, Lâm Quang Ngọc, Bùi Công Minh, Hoàng Dân, Vũ Đình Văn… và rất nhiều sinh viên văn khoa khác đã nhập ngũ. Họ là những chiến binh, chiến đấu anh dũng và nhiều người đã hy sinh. Nhưng họ còn là văn nhân - chính họ đã học thầy - “xung phong” để tìm tới những góc nhìn có thể sử thi hóa cuộc chiến mà họ tình nguyện tham gia; biến những ngày tháng khốc liệt nhất, hào hùng nhất của dân tộc thành văn thơ. Có những học trò như thế, thầy Lê Trí Viễn xứng đáng là tướng lĩnh của đội quân chữ nghĩa.
Giáo sư - nhà giáo nhân dân Lê Trí viễn lúc sinh thời. |
2. Những câu thơ loại “tứ tuyệt đường đạn” của thầy Lê Trí Viễn viết thời hậu chiến hay trong hòa bình đều có. Vào ngày nhận Huân chương lao động hạng nhất Nhà nước trao tặng, thầy đọc tôi nghe “củi cong bốc lửa thẳng” (bài Tổng kết). Tôi giật mình, rưng rưng nhìn ngắm thầy mình, nhìn lại bao nhiêu sinh đạo đã cong như cánh cung để rồi bật lửa.
Riêng tôi, theo đường đạn khai sáng kia, tiếp tục “văn mạch phương Nam” - một thuật ngữ thầy sử dụng khi khảo sát hướng phát triển của lịch sử văn học Việt Nam. Khi ấy, thầy vẫn dạy Trường đại học Sư phạm TP.HCM còn tôi dạy ở Đồng Tháp. Đã nhiều lần theo thầy trên đường thỉnh giảng, sớm mai mở cửa chúng tôi đã thấy thầy Viễn ngoài hành lang. Thầy tập quyền chờ sáng và chờ trò thức giấc để đọc trò nghe bài thơ mình làm hồi đêm. Đấy cũng là những ngày giặc gây hấn ở biên giới Tây Nam, rồi biên giới phía Bắc. Thầy trò gặp nhau những ngày ấy, cảm xúc văn chương vẫn chưa hềt mùi thuốc súng.
Bộ kỷ yếu hội thảo về cuộc đời và sự nghiệp của Giáo sư - nhà giáo nhân dân Lê Trí Viễn |
Mấy năm sau chiến tranh biên giới, một lần vì say kể chuyện con dế đá (thứ dế nòi văn từng đào hang trong các trang viết của Paustovsky, Tô Hoài…) trên một tờ báo địa phương mà tôi bị một cá nhân quá khích dùng phương tiện phát thanh công cộng quy kết tội “phản động”. Tôi không dám mách thầy chuyện này, sợ phiền, nhưng qua những học trò khác, thầy cũng biết chuyện và chính thầy tìm tới nhà tôi. Trước hết, thầy tặng thằng bé Boong - con út mới sinh của tôi một hộp sữa ông Thọ. Rồi thầy cho tôi một lời khích lệ: “Em có khả năng. Cứ thế mà đi”.
Ngay chiều hôm đó, tôi đã theo thầy Viễn vào Đồng Tháp Mười mênh mông. Thầy đang chủ trì việc biên soạn một chương trình văn học địa phương. Tôi đã viết về thầy Lê Trí Viễn: Thầy mỏng manh như dòng kẻ đỏ/ Bên lề trang vở cuối non sông…
3. Đọc sách thầy tôi mới hiểu, chữ nghĩa bao nhiêu cũng chưa đủ với một người thầy. Phải thêm tình nghĩa nữa. Tôi được nghe kể hồi ấy, mới học xong cao đẳng tiểu học, chàng Viễn thư sinh đã phải rẽ ngang vào học một năm sư phạm rồi về Tiên Phước, Quảng Nam gõ đầu trẻ tiểu học. Lớp học lưng chừng đồi cao, đi mấy bước là vào rừng xanh.
Hội thảo khoa học Lê Trí Viễn - Một đời với nghề một đời với văn, kỷ niệm 100 năm ngày sinh của ông, sẽ diễn ra sáng 9/3 tại Trường đại học Sư phạm TP.HCM. Giáo sư - Nhà giáo nhân dân Lê Trí Viễn (1918-2012) có nhiều đóng góp to lớn cho giáo dục và văn học Việt Nam. Ông được nhà nước trao tặng Huân chương kháng chiến chống Mỹ hạng nhất, Huân chương lao động hạng nhất, Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học và công nghệ… |
Trần Quốc Toàn
Nguồn : phunuonline.com.vn