CLB Văn học

Tình phụ tử trong tiểu thuyết “Nỗi buồn chiến tranh”

Tình phụ tử trong tiểu thuyết “Nỗi buồn chiến tranh”

Administrator

TÌNH PHỤ TỬ TRONG TIỂU THUYẾT

        Đại thi hào người Nga Puskin từng viết: “Linh hồn là ấn tượng của một tác phẩm. Cây cỏ sống được là nhờ ánh sáng, chim muông sống được là nhờ tiếng ca, một tác phẩm sống được là nhờ tiếng lòng của người cầm bút”. Và nhà văn Bảo Ninh đã để tiếng lòng của mình cất lên, để linh hồn của tác phẩm bay lên qua hình tượng nhân vật Kiên trong tiểu thuyết “Nỗi buồn chiến tranh” của mình. Đặc biệt là những khoảnh khắc anh nhớ về cha đã để lại nhiều ấn tượng sâu sắc trong lòng người đọc.

       Tiểu thuyết “Nỗi buồn chiến tranh” của nhà văn Bảo Ninh là khúc ca ai oán của tuổi trẻ, xây dựng từ những bi kịch của con người bước ra từ chiến tranh. Truyện xây dựng rất nhiều bối cảnh và bằng tình huống tâm tưởng, tất cả đều là những mảng hồi ức rực lửa và bi thương. Nhân vật chính của truyện là Kiên, một chàng trai lớn lên trong sự đổ vỡ và mất mát. Năm 17 tuổi - ở những năm tháng đẹp nhất, anh đã khép lại ước mơ vào đại học, chia tay người yêu, xung phong đi bộ đội vì lí tưởng cao cả. 10 năm trôi qua, Kiên dành cả tuổi thanh xuân để chiến đấu và cũng có những lúc anh rất mệt mỏi, chán chường. Chiến tranh kết thúc, anh trở về Hà Nội và sau đó tham gia tìm hài cốt liệt sĩ tại chính nơi anh đã chiến đấu. Thế nhưng, 10 năm chiến tranh dài đằng đẵng, 10 năm thời bình lại trôi qua, anh cũng không bao giờ thoát khỏi nỗi cô đơn, tuyệt vọng. Những day dứt về Phương, về đồng đội, về cha đã đeo bám Kiên để anh luôn sống trong nỗi đau buồn và ám ảnh… Đặc biệt trong những khoảnh khắc nhớ về cha, Kiên đã để lại biết bao giai điệu cảm xúc sâu lắng cho mỗi độc giả, đó là tình cảm cha con dạt dào nhưng chất chứa bao nhiêu là sự day dứt, nỗi ân hận của anh. Dù ở góc nhìn nào đi chăng nữa, Bảo Ninh cũng mở ra cho mỗi bạn đọc cánh cửa của tình phụ tử thiêng liêng, sâu sắc và đáng trân trọng, tin yêu đến vô cùng.

      Trong nỗi nhớ của Kiên, cái chết của cha hình như đã được báo trước, anh nhớ khi cha ra đi, ông đã trăn trối rằng chỉ để lại cho anh một thứ duy nhất – nỗi buồn. Và điều ám ảnh Kiên là những bức tranh làm nên kho tàng báu vật quý giá cả đời của ông mà ông cũng nỡ đốt đi, đốt sạch. Mãi đến lâu sau anh mới biết chuyện này và không thể hiểu được tại sao cha lại làm như vậy. Thứ báu vật quý giá khiến cha trân trọng đến như vậy mà cha muốn đốt là đốt sao? Anh không thể hiểu và lại càng không hiểu được cha mình. Chính vì vậy, khi nghe cha nói những điều cuối cùng, anh đã khóc… Cho dù có là một người đàn ông mạnh mẽ thì cũng không thể nào che giấu được cảm xúc của mình dành cho những người thân yêu nhất, đó là cha. Và đôi mắt ngấn lệ của anh có lẽ cũng đủ chạm nhẹ đến sự rung cảm trong lòng mỗi độc giả kể cả tôi khi nhắc đến gia đình và đặc biệt là nhắc đến cha.

      Tiếp nối dòng chảy cảm xúc ấy là sự đau lòng, day dứt. Anh nhớ về ngày bé, vì mẹ xem cha như một kẻ lập dị nên bỏ đi đã khiến anh đối với cha là cái nhìn nặng trịch phê phán và tâm lí ngấm ngầm bực bội. Và trên tất cả, anh lại từng hổ thẹn vì cha để rồi giờ đây khi tình yêu cha trỗi dậy muộn màng, anh lại ân hận… Anh đã từng nhìn cha với ánh mắt như thế, anh đã từng áp đặt lên cha những suy nghĩ tồi tệ của mình và quan trọng hơn cả anh đã từng hổ thẹn vì cha, hổ thẹn vì chính cái người mà anh yêu thương nhất. Thật chua xót biết bao… Tình yêu cha của anh trỗi dậy rất mãnh liệt nhưng đã quá muộn màng. Nó lại vô tình trở thành nhát dao cứa vào tim anh, nhát dao sắc bén cứa thật đau, thật sâu khiến trái tim anh đau đớn vô cùng, không chỉ trái tim mà cả trí óc và tâm hồn anh đều dằn vặt, đau đáu không tả nổi. Có lẽ ai phải từng trải qua cảm xúc như thế mới có thể hiểu được một phần tâm trạng của anh. Làm sao không nuối tiếc cho được khi cái tình yêu thương ấy, sự tôn kính, lòng hiếu thảo vẫn là bí mật chôn vùi trong lòng anh chưa được thể hiện và ước mong gần gũi, được hiểu biết về cha vẫn chưa có một lần cố gắng để thực hiện. Giờ đây trước mắt anh chỉ còn là nấm mồ của cha, là hương khói nhang nghi ngút, là những vòng hoa phủ kín xung quanh, cha đã đi thật rồi… Một sự cô độc bao trùm lấy anh, lạnh lẽo, tối tăm. Trong bầu không khí ảm đạm, buồn tênh và cả sự thương hại của những người xung quanh: ”Tội nghiệp”, Kiên lặng lẽ khóc. Giọt nước mắt anh rơi một cách bất lực trong vô vàn cảm xúc khó tả dưới vòm trời xuân 1965 lạnh giá, lá rụng tả tơi. Ấy là giọt nước mắt đơn độc, là giọt nước mắt buồn đau và cũng là giọt nước mắt ân hận, tiếc nuối. Đó là biết bao cảm xúc trào dâng đang được đè nén bởi một người lính mạnh mẽ đã vượt qua biết bao khó khăn, gian khổ nơi chiến trường để rồi nó hóa thành giọt nước mắt trong suốt, mặn chát tượng trưng cho những cay đắng trong lòng anh.

     Có lẽ sâu trong anh vẫn luôn tồn tại một tình yêu đặc biệt đối với cha, chỉ là chính anh đã tự mình đè nén nó xuống trở thành một góc khuất nhỏ bé trong tâm hồn mà thôi. Qua hình tượng nhân vật Kiên cùng tình yêu cha trỗi dậy muộn màng với nhiều sự nuối tiếc, trong tôi lại ùa về biết bao cảm xúc với câu chuyện tình phụ tử thiêng liêng của bé Thu và anh Sáu trong truyện ngắn “Chiếc lược ngà” dưới ngòi bút Nguyễn Quang Sáng. Rõ ràng đó là tình yêu cha vô bờ bến thế nhưng chỉ vì vết sẹo nhỏ trên mặt lại khiến tình yêu ấy trở thành mối nghi hoặc, trở thành nỗi ân hận lớn nhất cuộc đời của Thu. Đến với nhân vật Kiên và Thu, chắc chắn bất cứ độc giả nào cũng sẽ có cảm xúc phẫn nộ với những hành xử ban đầu của Thu là sự bướng bỉnh, chống đối lại cha trong ba ngày phép và Kiên đã từng có những ý nghĩ tồi tệ về cha mình. Thế nhưng, chắc chắn rằng, rồi những giọt lệ cũng sẽ rơi khi tình yêu cha trỗi dậy mãnh liệt như một nhát dao cứa vào trái tim của cô gái bé nhỏ và chàng trai kiên cường ấy.

     Thành công của tiểu thuyết cũng như đoạn trích trên chính là cách xây dựng tình huống. Thêm vào đó là khắc họa tính cách nhân vật rõ nét cũng như ngôn ngữ viết văn sâu lắng, trầm mặc. Tất cả những điều đó đã làm nổi bật hình ảnh một người lính dũng cảm nơi chiến trường với tình yêu thương cha vô bờ bến. M.Goóc-ki đã từng nói: "Văn học là nhân học". Và thông qua nhân vật, người đọc cũng nhận được một thông điệp ý nghĩa của Bảo Ninh là hãy cho bản thân một cơ hội được tiếp xúc gần với cha, hiểu biết về cha và hãy thể hiện tình yêu thương ấy, sự tôn kính và lòng hiếu thảo thật tốt để không bao giờ xuất hiện nỗi ân hận, day dứt trong cuộc đời mình như Kiên. Phải nói rằng cây bút tài hoa của Bảo Ninh cùng kinh nghiệm trải đời của mình đã đem lại nguồn cảm hứng mới lạ cho văn học nghệ thuật bởi khi nhắc đến chiến tranh người ta thường nghe tới những điều tích cực như sự lạc quan, vui vẻ của những người lính trong “Bài thơ về tiểu đội xe không kính” của Phạm Tiến Duật hay là tình đồng đội, keo sơn gắn bó như “Đồng chí” của Chính Hữu và tinh thần thép của ba cô gái trong “Những ngôi sao xa xôi” của Lê Minh Khuê. Nhưng với Bảo Ninh thì khác, “Nỗi buồn chiến tranh” của ông nghe thật buồn bã, thể hiện sự tiêu cực và nó cũng chính là nỗi ám ảnh, đau buồn mà chính tác giả không thể vượt qua. Dù chiến tranh đã lùi xa gần một nửa thế kỉ nhưng chắc chắn dư âm của nó sẽ vẫn mãi tồn đọng trong ký ức của ông nói riêng và mỗi con người Việt Nam nói chung. Ở Bảo Ninh không chỉ là cái tài văn chương mà còn cái tâm với cuộc đời và ông đã thành công tái hiện sự khốc liệt của chiến tranh qua những trang văn của mình. Nó đã để lại cho thế hệ mai sau biết về những gì mà cha ông ta đã phải trải qua và đặc biệt là những bài học về tình cha con chân thực và ý nghĩa đến vô cùng.

     Gấp tiểu thuyết lại ta có thể quên đi nhiều chi tiết nhưng chắc chắn sẽ không bao giờ quên được những giọt nước mắt mà Kiên đã rơi vì cha, những giọt nước mắt mà người lính phi thường nơi chiến trường đã rơi vì tình yêu cha tha thiết, mãnh liệt. Và đó là “Nỗi buồn chiến tranh” của Bảo Ninh. Vì thế cuộc sống vẫn cứ phát triển với bao điều mới mẻ, tươi đẹp nhưng cái trầm mặc, sâu lắng kia vẫn sẽ in sâu mãi trong tâm trí mỗi chúng ta. Thi phẩm đã trải qua 37 năm cuộc đời với bao nhiêu biến cố từ không được xuất bản do cái tên quá đau buồn cho tới hàng loạt phiên bản được chuyển ngữ trên khắp Thế Giới. Chắc chắn rằng thành quả nghệ thuật ấy sẽ còn mãi với thời gian, trong tâm hồn và trong những trái tim đồng điệu.

                                                   Nguyễn Khuyến, mùa hè 2024

                                                Nguyễn Hà Linh – Lớp 10A5

                                                      (Năm học 2024 – 2025)

 

    GV đăng nhập xem TKB

    Tài khoản:
    Mật khẩu:

    Hướng dẫn đăng nhập

    HS đăng nhập xem điểm

    Tài khoản:
    Mật khẩu:

    Hướng dẫn đăng nhập

    Dạy và học Online

    Tuyển dụng nhân sự

    Bản đồ vị trí

    Bản đồ vị trí

    Thống kê truy cập

    • Đang truy cập: 1
    • Hôm nay: 501
    • Hôm qua: 4,123
    • Tuần này: 4,624
    • Tuần trước: 30,134
    • Tháng này: 61,815
    • Tháng trước: 349,187
    • Tổng cộng: 3,411,894

    Liên kết website

    Top