Dù mua hay không ngày nào tôi cũng lắng tai chờ nghe như một thói quen. Vì tiếng rao ấy gợi nhắc tôi nhớ đến mẹ và quãng đời tuổi thơ của tôi - quãng thời gian tôi cùng mẹ rong ruổi đi bán trứng vịt lộn. Tiếng rao của mẹ tôi cũng nặng và buồn, nhiều khi còn khản đặc, nghe xót lòng…
Những ngày đầu đi bán trứng, nhiều người không nghe ra tiếng rao, họ không biết mẹ tôi bán gì gọi vào chỉ để hỏi. Khi sự tò mò đã được thỏa mãn, họ cười và nói “ không ăn!”. Vậy nhưng lúc nào mẹ cũng lịch sự chào mời: “ Dạ, mai mốt ăn dùm em nghe chị, em cảm ơn…”. Dần dần, giọng rao miền Trung và hình ảnh mẹ tôi - người đàn bà nhỏ con, gầy, đen, trông lam lũ vất vả nhưng hiền lành đã trở nên quen thuộc với hầu hết công nhân và khu dân cư công trình..
Gia đình tôi chuyển từ miền Trung vào tận miền Tây rồi trở ngược lên miền Đông. Nhà nghèo, con cái nheo nhóc. Mẹ tôi bươn bả làm đủ nghề, từ bán cá, bán ốc ở chợ, bán mía ghim ở trường học đến bán trứng lộn khi nhà máy Thủy điện Trị An vừa bước vào giai đoạn khởi công. Mỗi ngày, mẹ luộc năm mươi quả trứng, ủ nóng bằng trấu, tay xách nách bưng, băng qua mấy vạt rẫy, mấy đám ruộng mới đến nơi bán. Những ngày mưa tầm tã hay trời mát bán đắt hàng, thường thì từ trưa đến chiều là mẹ đã hoàn tất công việc. Dù bùn sình lấm lem, quần áo bê bết nhưng mẹ vui vì được về sớm. Trời nắng nóng thường bán ế, mẹ phải đi khắp khu dân cư kiên nhẫn vào từng nhà để mời. Không ít lần mẹ về nhà tối mịt, rã rời, phờ phạc, lưng áo đẫm mồ hôi…mà vẫn chưa hết trứng. Những lần ấy thể nào anh em tôi cũng có trứng để ăn. Nhìn chúng tôi vừa ăn vừa thổi sì sụp mẹ thường cười nói “nhờ trứng ế mà mấy đứa được bồi dưỡng sức khỏe!”
Mẹ nói thế nhưng tôi biết những ngày tới chắc chắn mẹ phải cố gắng bán nhiều hơn để bù lỗ. Tôi biết ẩn đằng sau nụ cười thật hiền của mẹ là nỗi lo, nỗi buồn khôn nguôi vì tiền lời mẹ đã tính gọn vào các khoản chợ búa, mắm muối, sách vở, học hành của anh em tôi rồi. Trứng bán không hết thì chẳng còn lời, thậm chí thâm vào vốn. Tôi thương mẹ quá nhưng nào biết phải làm gì… Những buổi không đi học tôi thường theo phụ mẹ. Có tôi mẹ đỡ vất vả phần nào vì những lúc công nhân nghỉ giữa giờ mẹ chỉ việc ngồi một chỗ, còn tôi thì lăng xăng bưng bê, chạy lấy dĩa, lấy tiền. Nhưng tôi chỉ đi với mẹ được một tuần vài buổi, còn thì mẹ lặn lội, tất bật buôn bán một mình. Nhiều lần tôi đòi nghỉ học để ngày nào cũng đi bán với mẹ nhưng mẹ kiên quyết không cho. Mẹ không quản cực nhọc cũng vì mong anh em tôi được học hành đến nơi đến chốn.
Ở miền Trung, điều kiện sinh sống của gia đình tôi khó khăn. Mẹ chỉ có nghề nấu rượu. Sau ngày giải phóng, cơm gạo mốc đối với phần lớn các gia đình còn là mơ ước thì gạo đâu để ủ men, rồi nấu cho tan chảy thành cái thứ nước mà theo nhiều người thì chẳng lợi ích gì cho sức khỏe… Mẹ không biết phải xoay xở ra sao.
Theo chân người quen, gia đình tôi lũ khủ vào miền Tây, đến ở nơi tận cùng Đất Mũi. Nơi đây thiên nhiên có phần ưu đãi, lúa gạo không khó làm, không lo đói nhưng xa trường học. Mỗi ngày anh chị tôi phải chèo xuồng hơn chục cây số từ sông con qua sông lớn mới đến được trường. Tứ bề là nước, con nít bọn tôi loi nhoi, cả đám chẳng đứa nào biết bơi, sao tránh khỏi nguy hiểm? Mẹ nhất quyết dời đi.
Và Trị An chính là điểm dừng chân của gia đình có con đến sáu đứa. Hai anh lớn tôi phải nghỉ học để làm rẫy, cày ruộng giúp ba mẹ lo cái ăn cho cả nhà. Cho đến bây giờ, mỗi lần nhắc lại sự hi sinh của các anh tôi mẹ vẫn chưa hết ngậm ngùi… Mẹ thương hai anh cực khổ vì nghề nghiệp không ổn định, có gia đình, con cái, lại càng lận đận lao đao…rồi cũng sẽ khổ cả đời như ba mẹ. Từ nhỏ mẹ tôi đi ở đợ, làm thuê, không được học hành nên không biết chữ! Buôn bán bao nhiêu thứ nhưng mẹ chỉ tính “rợ”- đó là từ mẹ nói về việc tính nhẩm. Và chưa bao giờ mẹ biết dùng đến giấy bút! Anh em tôi thương mẹ chỉ còn biết cố gắng học giỏi để mẹ yên tâm và vui lòng.
Thời gian thấm thoắt chúng tôi lớn lên, trưởng thành, nghề nghiệp ổn định thì tiếng rao “ hột lộn đây…” của mẹ tôi ngày một nhỏ dần. Chân tay mẹ mỗi khi trở trời lại nhức nhối vì đau khớp, đôi mắt nhìn mọi thứ cứ nhập nhòa do lão hóa nặng. Mấy mươi năm trôi qua mẹ tôi chưa lần nào đến bệnh viện để kiểm tra sức khỏe…
Bây giờ mẹ tôi không còn phải đi bán trứng nữa nhưng những vất vả của bao nhiêu năm tháng cũng đã đủ lấy hết đi sức lực. Tôi ở xa, mỗi năm về thăm mẹ được vài lần. Mẹ luôn tự hào về tôi - con bé đen đúa, lon ton theo mẹ bán trứng lộn ngày nào nay đã là cô giáo dạy cấp ba. Mỗi lần tôi về quê, mẹ lại luộc trứng cho tôi và con trai của tôi ăn để…bồi dưỡng! Nhưng đó không phải trứng vịt lộn mà là trứng gà ta, những quả trứng nhỏ nhỏ mà giàu chất dinh dưỡng. Ở tuổi ngoài bảy mươi, sức khỏe không tốt nhưng mẹ vẫn cần mẫn nuôi gà, chắt chiu góp chút công sức cho con, cho cháu…
Con trai tôi cũng thường ăn trứng lộn nhưng tôi hiểu nó không bao giờ có cái cảm giác sung sướng vì được ăn như bọn tôi ngày xưa. Việc tôi mua trứng lộn ăn mỗi tuần một lần vừa giúp chị bán trứng người miền Trung vừa là một phần trong thực đơn chăm sóc sức khỏe. Mỗi khi nhìn con ăn một cách miễn cưỡng tôi không khỏi quặn lòng vì những kí ức ngày xưa cứ tiếp nối ùa về… Tôi không sao nguôi được cái cảm giác xót xa khi nhớ về mẹ tôi những ngày bán không hết trứng... Khái niệm “ bồi dưỡng sức khỏe” cho đám con trong cảnh nghèo nàn mẹ chỉ làm được khi cái ăn đem năn nỉ, chào mời mà người ta chối từ...
Thời gian làm hao mòn sức khỏe, tăng thêm tuổi tác của con người và cũng tạo nên bao sự đổi thay thăng trầm của cuộc sống. Sự đời “nước mắt chảy xuôi”, tôi chỉ còn biết cảm phục và tri ân mẹ vì tất cả những nhọc nhằn mẹ đã trải qua để anh em tôi có được như ngày hôm nay.
Và tôi ngồi viết những dòng này khi bên ngoài cái nắng chiều vẫn còn gay gắt. Tiếng rao “ hột lộn đây…” lại vang lên. Tôi không biết nó vọng vào từ ngoài đầu hẻm hay như đang dội về từ quá khứ mà nghe buồn, nặng, xa xôi… Tôi bất chợt nhớ mẹ đến quay quắt, nghẹn ngào…
Lê Thị Cẩm Hương
Nguồn : netbuttrian.vn