1. Tôi đã từng bật khóc khi nhất thời cảm thấy bất lực trước những tình huống bất ngờ, tai quái mà học trò của mình gây ra. Ngày hội trại, các em vui chơi thoải mái, ai biết được trong một vài chai Seven up lại có rượu. Thế là hậu quả một trận hỗn chiến bắt đầu.
Thầy giám thị và một số nam sinh xông vào can. Chẳng nhằm nhò gì. Tôi hoảng quá bật khóc và kỳ lạ thay, trận chiến ngừng ngay lập tức.
Những khuôn mặt biết lỗi lần lượt dàn hàng ngang trước mặt tôi. Giờ có thuê chúng cũng chẳng dám lặp lại lần nữa. Hoảng, giận, buồn trong tôi tiêu tan đâu hết, chỉ còn lại trước mắt lũ học trò thật đáng yêu.
Cũng có tiết học khi kiểm tra bài cũ mà cả một loạt em không học bài, tôi bất lực bật khóc. Vẫn biết rằng năm cuối cấp các em tập trung cho những môn thi đại học, chương trình học lại quá tải làm sao kham đều môn được nhưng kỳ thi tốt nghiệp THPT trước mắt đâu phải chuyện đùa.
“Thử hỏi, người nông dân đổ mồ hôi sôi nước mắt trên đồng ruộng của mình nhưng tới mùa gặt chỉ thu được toàn lúa lép sẽ như thế nào? Thầy cô cũng thế thôi, đổ hết tâm huyết vào bài giảng, dồn hết kỳ vọng vào học trò của mình nhưng chẳng lẽ cũng chỉ gặt toàn lúa lép như thế này sao?”.
Và thật lạ, tiếng khóc nhất thời bất lực ấy của tôi lại có hiệu quả hơn cả hàng vạn lời la mắng. Dù ở tuổi ăn chưa no, lo chưa tới, dù một số em thuộc diện cá biệt, cứng đầu, thích chơi hơn thích học nhưng ở một góc sâu nào đó trong tâm hồn mình, các em vẫn để nước mắt của tôi thấm vào và chuyển hóa thành kết quả khả quan như lẽ tự nhiên của tình người, tính người.
2. Tôi cũng từng lặng lẽ để nước mắt rơi trong khi đưa tay lau nước mắt cho học trò của mình. Nếu không là giáo viên chủ nhiệm, không trăn trở với thiên chức trồng người của mình thì tôi làm sao hiểu hết được đằng sau vẻ lì lợm bất cần đời hoặc lấc cấc quậy phá của một số học sinh bị liệt vào hàng cá biệt, bị giáo viên bộ môn ghi tên chi chít vào sổ đầu bài, bị bạn bè xa lánh, bị cha mẹ hắt hủi là cả một trái tim đầy thương tổn, thèm khát được chia sẻ, được yêu thương, được nhìn nhận đúng mức.
Làm sao cầm được nước mắt khi những cô cậu bé đáng thương đó chịu mở lòng kể hết những uất ức, chán ngán, thất vọng, buồn đau giấu kín bấy lâu. Nước mắt của em, nước mắt của tôi chỉ tôi và em biết được. Nhưng sự phục thiện, trưởng thành, vượt lên chính mình của em sau đó thì ai cũng thấy rõ.
3. Tôi cũng từng ngậm ngùi khi bất chợt chứng kiến những cảnh không chỉ là nghèo mà còn rất ngặt của phụ huynh học sinh. Ðã bao lần móc tiền túi nộp học phí cho những học sinh có hoàn cảnh đáng thương nhưng tôi vẫn cứ nghẹn đi trước những cảnh ngộ bất ngờ phơi ra của những phụ huynh quá nghèo. “Cô ơi cho tui nộp học phí”.
Ba tháng học phí của một trường bán công dồn lại đâu phải là ít, mà đây lại là hạn nộp cuối cùng. Số tiền gói trong bọc nilông chưa đủ, người cha ấy thọc tay vào túi quần rồi thò tay vào túi áo.
Ông cập rập vuốt vuốt xếp xếp từng tờ tiền lẻ, kể cả những tờ năm trăm đồng, vừa nói: “Tui bệnh rề rề cả tháng mới đỡ cô à.
Cả sáng ni còn tranh thủ chạy xe rồi tới thẳng đây. Chắc còn thiếu”. Tôi chỉ nói được câu: “Thôi bác à” rồi nghẹn cứng cả họng.
Hay có lần ông ngoại của một cậu học trò lọm khọm lên trường tìm gặp tôi với một tờ đơn trong tay: “Tui nhờ thằng T. nộp đơn xin miễn giảm học phí nhưng hắn không chịu. Hắn nói để hắn nghỉ học đi phụ hồ vài ngày là có tiền ngay.
Nhà cha mẹ hắn đông con, khó khăn lắm nhưng vẫn không thuộc diện trợ cấp, miễn giảm (xóa đói giảm nghèo), tui đem hắn về nuôi từ nhỏ. Chừ già cả lại bệnh hoài, sợ hắn lo mọi thứ bỏ lỡ học hành, tui phải lén hắn lên gặp cô”.
4. Tôi cũng từng miệng cười mà nước mắt vòng quanh mi khi học trò chạy luôn cả xe chở trứng vào sân nhà tôi. Thường ngày, cậu trò nhỏ ấy có bao giờ muốn cô và bạn mình thấy cảnh em phụ mẹ chở những vỉ trứng bỏ cho các hàng quán, chợ búa đâu.
Có lần thấy tôi từ xa, em đã vội kéo sụp mũ giả đò không thấy. Tôi làm sao giận được em, chỉ thấy ngậm ngùi, thương và quý em hơn. Tôi biết làm gì hơn khi chỉ âm thầm khích lệ cậu trò nhỏ đáng yêu ấy qua những tiết học của mình.
Thế mà kết quả thi đại học vừa công bố, em lao thẳng chiếc xe còn nguyên những vỉ trứng - hiện thân của nỗi mặc cảm bấy lâu trong em - vào nhà tôi. Em cười rạng rỡ. Em đỗ Ðại học Bách khoa.
Tôi chỉ là một cô giáo bộ môn, không chủ nhiệm lớp em, không có công gì ở khối thi đó của em mà vẫn được nhận từ người học trò hiếu thảo ấy nụ cười báo công báo hiếu đẹp đến nghẹn lòng.