Tôi đã để bao nhiêu công tìm hiểu, tưởng là để đánh đuổi được chúng, thế mà chịu thua, chỉ cóp nhặt được vài nhận xét sơ đẳng về bọn chuột. Nhưng tôi cũng xin được lưu ý là những nhận xét này có lẽ chỉ đúng với chuột nhà, nghĩa là bọn chuột sống gần người, dường như đã học được những thói xấu của người để xử sự lại với chúng ta, khiến cuộc sống của chúng ta bị rối loạn.
Chuột không còn biết sợ mèo. Chúng thường nấp ở chỗ mà quan sát được đầy đủ hành vi của mèo trong khi mèo không nhìn thấy chúng hoặc nhìn thấy mà không thể vào được. Cũng bởi vì mèo bây giờ được ăn ngon, ngủ yên, được chiều chuộng chả thiết gì đến thịt chuột tanh tưởi sống sít, hơn nữa bọn chuột bây giờ rất to khoẻ, nhâng nháo và liều lĩnh. Thế hệ mèo hiện đại không có áp lực phải báo cáo công trạng, đáng yêu là được rồi, thấy lao động như tổ tiên chúng thật mạt hạng. Trong ý thức bây giờ của mèo, chuột là vấn đề của chủ nhà chứ không là kẻ thù của chúng.
Thuốc độc cũng không làm gì được chuột. Vả lại cái độc nhất là âm mưu quỷ kế có thể làm chết cả Thánh Thần thì con người không cho rằng bọn chuột xứng đáng được hưởng. Với thuốc độc thông thường, lỗi lớn nhất là do con người đã làm thuốc giả, hoặc ăn bớt hóa chất làm thuốc, vô tình đã tạo ra khả năng miễn dịch cho loài chuột... Hm, cái thứ thuốc màu sắc lòe loẹt, bốc lên mùi vị chào mời, phô trương như một tác phẩm nghệ thuật hạng ba ấy từ xa chúng đã nhận dạng ra được là cái chả giá trị gì cho cuộc sống mặc dù rất thấp hèn của chúng. Giả trá của con người không thắng nổi bản chất lấy trộm cắp làm khoái của bọn chuột.
Bọn chuột tinh quái rất giỏi rút kinh nghiệm, có thể thay đổi thói quen nhanh hơn con người rất nhiều. Trong khi con người cứ nghĩ rằng để miếng thịt thơm vào sâu trong bẫy sắt trên đường đi lối về của bọn chuột là sẽ bắt được nó. Cái cách ấy may ra chỉ đánh được một hai con lười biếng đần độn. Chúng nhạo báng cái kiến thức đánh bẫy của con người. Chúng đã nhận ra rằng con người đã làm ngược bản tính thu vén của mình mà để quăng quật một miếng thịt lẻ ở chỗ tơ hơ thế thì phải âm mưu hiểm lắm, đích thị là miếng bẫy. Cách giả dối chả bao giờ hiệu quả.
Điện cũng không làm chúng chết. Bộ da lông của chúng có khả năng cách điện rất cao, dường như chúng đã biết tự làm đứt dây thần kinh cảm giác trên da. Đã có mấy nhà giăng điện bẫy chuột ngoài ruộng, léng phéng thế nào làm chết oan bọn nhỏ hiếu động.
Đến lạ, đám người vạm vỡ "đầu đội trời, chân đạp đất" thế mà thấy chúng chạy qua kêu rú lên thất tán. Họ tếu táo: Người quân tử phòng thân vì lấy thân là quý, còn bọn chuột cái quý của chúng là xấu xa bẩn tưởi, đem ra để khủng bố con người.
Ghét nhất là cái kiểu của bọn chuột lúc ẩn lúc hiện và khả năng chui vào mọi lỗ khe kẽ, cho dù là rất nhỏ và hôi thối. Hoặc chui vào ẩn đằng sau cả bàn thờ, sâu trong những đồ vật quý. Chúng có thể nằm im kiên nhẫn trong đó rất lâu. Chúng biết là những người sạch sẽ cũng phải ngại vấy bẩn, hoặc muốn đánh chúng mà phải lo giữ những thứ mà họ cho là quý.
Nói chung thì con động vật nào khi còn bé tí trông cũng rất là đáng yêu, ngộ nghĩnh, nhìn vào chúng có thể nhận biết được đẳng cấp của giống má. Bọn chuột chỉ cần nhìn đến con của nó vừa đẻ ra đã biết, đến là kinh khiếp, hạ đẳng.
Cái giống chuột ẩn trong khe ngách của lòng đất nhưng cơ hội sống thực sự của chúng là trên mặt đất, dưới ánh sáng mặt trời. Thế mà khi chúng trèo lên mặt đất thì chí cha chí choé, nhớn nha nhớn nhác, vội vội vàng vàng, xô xô đẩy đẩy, chụp giật miếng cơm thừa canh cặn, rồi lẩn rất nhanh, cho dù người ta có để đầy các thứ ra đấy mà chả để ý. Và người ta thất kinh rằng: Tuy bọn chuột nhỏ là vậy mà đời chúng có thể trộm cắp lượng thức ăn có thể gấp cả vài trăm lần khối lượng bản thân và sinh sản nhanh đến người thánh thiện nhất cũng phải khiếp sợ.
Nguồn: Bàn về văn hóa ứng xử của người Việt Nam
|