Ấy là nói chuyện ngày xưa. Ngày xưa, chưa có “dẫn thủy nhập điền”, cái vụ lúa “làm gieo” của các cụ kị nhà ta phải nhờ… trời lên lịch; và “lịch gieo sạ” lại chính nhằm vào ngay cơn mưa hạ đầu tiên. Thật dễ hiểu vì sao người nông dân xưa lại sung sướng đến thế khi mưa hạ đổ về.
Nay thì hết; không ai còn canh tác theo kiểu… chờ mưa. Nhưng mưa hạ không vì thế mà bớt đi giá trị của… mưa. Hạ miền trung vẫn khao khát đón từng cơn mưa như đón phúc lộc của trời. Mưa hạ tạm xua đi cái nắng oi nồng. Mưa hạ tắm táp mặt đất, gột rửa bầu trời khiến màu xanh trở nên dịu dàng hơn. Mây trắng như cũng bềnh bồng hơn. Hình như mây trắng đang say say cái hương vị trời đất sau mưa. Nó ưỡn người, vung đôi cánh mỏng như tơ đón khối nắng chói chang từ phía mặt trời. Vượt khỏi vòng ôm dịu dàng của mây, nắng không còn vàng lóa. Nắng đang chảy xuống trần gian thành từng dòng xanh xanh, biêng biếc. Mà cũng không chỉ có màu xanh biếc; còn có cả chút trăng trắng mơ hồ của vài sợi mây loãng tan vào nắng. Lạ kì chưa, giữa hạ đang hiện hình chút sắc thu chưa tới - mà cũng có thể là chút hương xuân vừa đi qua. Chỉ là một khoảnh khắc thôi; nhưng tắm mình trong khoảnh khắc ấy, con người chợt có cảm giác: Thiên đường dường như ở đâu đó, rất gần…
Tôi yêu mưa hạ. Cùng với trời đất, cỏ cây, tôi cũng sung sướng, đê mê trong cảm giác được gột rửa, tắm mình cùng mưa hạ. Ngày bé là… tắm, tắm thật sự - cởi truồng nhồng nhỗng mà phóng ra sân, mặc cho mẹ quát: Coi chừng mưa mới, bệnh! Bây giờ, mẹ tôi không còn nữa. Tôi cũng không còn là đứa trẻ năm xưa; nhưng hễ cứ nghe vũ trụ chuyển mình, hạ bắt đầu xối xuống cơn mưa là hồn tôi lại hóa trẻ thơ. Đứa trẻ ấy lại quay cuồng, lặn hụp trong mưa, lại yên tâm dông dài bất tận với những trò vui khi thấy mẹ còn cặm cụi ngồi khâu áo hiên nhà. Thỉnh thoảng, đôi mắt hiền từ, yêu thương của mẹ lại lo lắng liếc ra sân với lời nhắc khẽ: Coi chừng mưa mới…
Y Nguyên
Nguồn : baotintuc.vn