Kỷ yếu - tập san

Lớp học ven sông

Lớp học ven sông

Administrator
Hơn bốn mươi năm trước. . . .

Có một lớp học nhỏ tá túc trong ngôi miếu hoang ven sông Đáy, dân địa phương gọi là “Miếu ông già”. Đang tiết thanh minh. Cây gạo bên hông miếu nở hoa rực rỡ, những bông gạo đỏ rực như lửa rụng đầy trong sân, rơi cả xuống ruộng lúa. Lũ học trò lớp 4B hầu hết là con em nông dân, tóc dang nắng vàng hoe, hiếu động như bầy châu chấu. Quản lớp là một thầy giáo 25 tuổi, tên Ngô Doãn Khuê. Thầy Khuê cao ráo, tóc cắt cua, gương mặt hơi dài. Thầy đến trường bằng chiếc xe đạp sườn ngang cũ nhãn hiệu Thống Nhất. Mỗi buổi sáng, tiếng đọc bài vang vang khiến những người làm đồng đi qua bất giác đứng nhìn. Giờ ra chơi, lũ trẻ ùa ra sân. Con gái chơi nhảy dây, vài đứa nhặt bông gạo kết thành tràng hoa đeo trước ngực. Con trai đánh khăng, đánh đáo, những đứa ngỗ nghịch rủ nhau vào trang thờ, táo tợn đưa tay vuốt, thậm chí giật râu những pho tượng gỗ đã tróc sơn sứt sẹo. Thầy Khuê ngồi chấm bài, đôi khi, thầy cũng tham gia chơi nhảy dây, bịt mắt bắt dê hay nhặt bông gạo với bọn trẻ. Những lúc ấy, trông thầy thật trẻ trung, vui nhộn chẳng khác lũ học trò. Lớp học ven sông là một hình ảnh thân thương với tất cả những người nông dân trong vùng.

Hồi ấy, lớp 4B có một đứa tên Ngọc. Con Ngọc có tật trong giờ học cứ hướng mắt ra ngoài, nhìn trời, nhìn đất. Chán, nó xoay ra vẽ. Những trang cuối tập vở của nó la liệt hình bé gái thắt nơ, mặc váy xòe hay cô giải phóng đội chiếc mũ tai bèo. Có lần thầy Khuê đến gần, đứng nhìn rất lâu mà nó không hay biết, vẫn mê mải vẽ. Thầy gọi nó đứng lên, hỏi bài. Nó tắc tị, mặt thuỗn ra đến tội nghiệp. Bọn trong lớp nhìn nó cười hi hí. Ngọc mắc cỡ, cúi gằm mặt xuống, suýt khóc. . .

Vậy là Ngọc được thầy Khuê chuyển lên ngồi bàn đầu. Kè kè hai bên hông nó là hai ông tướng nổi tiếng nghịch phá. Cây thước gỗ dài trên bàn thầy Khuê buộc chúng phải “biết điều”, tập trung vào bài học. Ngọc thích môn văn, ham đọc sách nhưng toán lại “dốt đặc cán mai”. Thầy Khuê thường gọi nó đứng lên đọc bài tập làm văn cho cả lớp nghe rồi biểu dương nó. Nhưng môn toán thì than ôi, đầu nó giống như củ chuối, thầy giảng đi giảng lại mà nó cứ ù lì, chẳng “vỡ” ra được.

Do Ngọc học hành làng nhàng nên thầy Khuê đến nhà nó để tìm hiểu hoàn cảnh. Hóa ra, nó là dân sơ tán, sống với người chị là cán bộ kỹ thuật trại dâu tằm. Hàng ngày chị đi làm, Ngọc được thả rông. Cuộc sống của hai chị em khá chật vật nên bạn bè chị hay cho Ngọc cái áo, cái quần, chị sửa lại qua quýt cho nó mặc, thành thử nhiều khi trông nó như bị gói trong những bộ đồ rộng lùng thùng. Sau buổi đến thăm Ngọc, thầy Khuê càng chú ý rèn cặp việc học của nó. Ngọc bị mất căn bản môn toán nên thầy phải tốn khá nhiều công sức nó mới dần khá lên. Thầy còn mua cho Ngọc mấy cuốn truyện thiếu nhi như Mảnh vườn, Tướng lâm kỳ đạt, truyện cổ Grim . . .. . Thầy nói, nó là đứa có năng khiếu hội họa, thầy mong sau này, Ngọc sẽ trở thành họa sĩ. . .

Một lần, Ngọc mải chơi không học bài. Nó tính trốn thầy Khuê nhưng vẫn ôm cặp giả đi học. Ra tới cánh đồng, Ngọc tạt xuống một hố bom sâu hoắm-dấu vết trận bom từ mấy hôm trước còn để lại. Dưới hố có nhiều mảnh bom hình thù kỳ dị, sắc cạnh và như toát ra hơi lạnh của thần chết. Chẳng biết làm gì cho hết thời gian, Ngọc bèn nhặt những mảnh bom nhét đầy túi áo. Rồi nó lại leo lên, đi lang thang. Những ruộng đỗ xanh mướt xung quanh làm nó chợt nghĩ ra một trò tiêu khiển. Ngọc để cặp sách trên bờ, đi hái rau đỗ. Than ôi, nó nào biết đúng lúc ấy, một bác nông dân đã nhìn thấy Ngọc đang hái trộm rau. Ông bắt luôn cái cặp của nó, bỏ về làng, mặc cho Ngọc chạy theo khóc lóc. Mất cặp, Ngọc không dám về nhà. Nó ngồi ngáp vặt dưới gốc đa giữa đồng, nhìn trời nắng như đổ lửa rồi. . . thiếp đi lúc nào không hay. Không biết Ngọc sẽ ngủ tới lúc nào nếu nó không giật mình choàng dậy vì ai đó đang cầm tay nó lay gọi. Thầy Khuê! Đúng là thầy Khuê ! Trên tay thầy là. . cái cặp sách của Ngọc. Trán thầy rịn mồ hôi. Thì ra, bác nông dân đã mang cái cặp của nó đến nộp cho thầy Khuê và thầy vội vàng đi tìm Ngọc, sợ nó gặp chuyện chẳng lành. Thầy cầm tay Ngọc, giọng buồn mà nghiêm khắc “Lần sau em đừng dại dột như thế. Đi một mình, lỡ máy bay đến thả bom thì sao?”. Rồi thầy đưa Ngọc về trại dâu tằm. Lần ấy, nhờ thầy Khuê mà Ngọc thoát được trận đòn của chị. . ..

Chiến tranh ngày càng ác liệt. Lớp học phải dời vào sâu trong làng. Với sự giúp sức của phụ huynh, thầy Khuê dựng một căn hầm chữ A lớn, nối vào lớp học bằng một đoạn hào giao thông, vách hầm được dựng phên liếp để ngăn không cho đất sụt lở. Thầy Khuê hướng dẫn lũ trò nhỏ cách xuống hầm, cách ngồi để chống sức ép khi bị dội bom. Đang học mà nghe tiếng “ù ù” là bọn trẻ nhanh chóng chạy xuống hào, ra hầm, thầy Khuê bao giờ cũng là người xuống sau cùng. Trong hương đất phù sa nồng nàn, những đứa trẻ ngồi sát vào nhau, hai tay bịt chặt lỗ tai, mắt mở tròn đen láy. Chúng hoàn toàn không sợ hãi vì đã có thầy giáo ngồi chặn ngay ở cửa hầm, như một bức tường thành vững chãi.. .

Nhưng rồi cuối tháng 4 năm ấy, thầy Khuê đột ngột từ giã lớp 4 B để nhập ngũ. Nghe tin, con Ngọc khóc đầu tiên. Rồi như phản ứng dây chuyền, bọn trong lớp cũng khóc theo. Chúng không muốn xa thầy. Sau đó, khi không thể thay đổi hoàn cảnh, con Ngọc thay mặt lớp, vẽ tặng thầy Khuê bức tranh có chú bộ đội đi giữa vòng tròn trẻ con, nhìn cũng biết ngay đó là thầy Khuê và học trò. Thầy Khuê cảm ơn Ngọc và ôm tất cả chúng vào lòng. . . .

Mấy chục năm đã qua. Con bé Ngọc hồi ấy chính là tôi, một người nay đã ở tuổi “tri thiên mệnh” và từng học qua không biết bao nhiêu trường lớp. Giữa những gương mặt thầy cô giáo đã mờ nhòa vì thời gian, không hiểu sao trong tôi cứ hiển hiện bóng dáng người thầy trẻ và lớp học bên sông Đáy. Đọc những bài Nét bút tri ân được tuyển chọn hầu hết là của các bạn trẻ, đôi khi tôi ngồi thần ra vì xúc động. Câu chuyện của các em, các cháu đưa tôi trở lại tuổi thơ xa lắc. Tôi nhớ lớp học trong ngôi miếu hoang. Nhớ mùa hoa gạo đỏ rực trời. Và trên hết, tôi nhớ thầy Khuê. Mãi mãi tôi không thể quên ánh mắt bao dung của thầy vào cái hôm tôi trốn học, bị bắt cái cặp sách. Tôi không biết thầy Khuê kính yêu của chúng tôi có còn sống hay đã hy sinh trong cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc. Thầy thật bình dị, không có gì nổi bật, chỉ là một “ông giáo làng” tận tụy, yêu học trò bằng tất cả tấm lòng. Nhưng chúng tôi đã nhận được từ thầy bài học về tinh thần trách nhiệm, lòng nhân ái, tình yêu thương con người. Thầy ơi, em biết ơn thầy, ước gì thầy còn sống, ước gì em có thể gặp lại thầy, dù chỉ một lần.


Tác giả: Hoàng Ngọc Điệp
Nguồn: netbuttrian.vn

    GV đăng nhập xem TKB

    Tài khoản:
    Mật khẩu:

    Hướng dẫn đăng nhập

    HS đăng nhập xem điểm

    Tài khoản:
    Mật khẩu:

    Hướng dẫn đăng nhập

    Dạy và học Online

    Tuyển dụng nhân sự

    Bản đồ vị trí

    Bản đồ vị trí

    Thống kê truy cập

    • Đang truy cập: 22
    • Hôm nay: 2,987
    • Hôm qua: 3,864
    • Tuần này: 23,228
    • Tuần trước: 26,141
    • Tháng này: 106,560
    • Tháng trước: 349,187
    • Tổng cộng: 3,456,638

    Liên kết website

    Top