Tư vấn : Lắng nghe em nói

LẮNG NGHE NHIỀU HƠN.

Administrator

 

"...Từng kì thi nối tiếp nhau, tuổi thơ con trôi qua rất mau, ước chi con mẹ mai sau sẽ thành công..."

Ngoài trời mưa như trút nước, con đi học vẫn chưa về. Lòng chị chợt cồn cào...Khúc nhạc vang lên nghe thật da diết.

Bé con nhà chị năm nay 17 tuổi. Có thể nói, đây là những năm tháng đẹp nhất của đời người, chị lúc nào cũng mong được thấy nụ cười của con. Nhưng đã bao lâu rồi, con không còn tâm sự với chị, những nỗi niềm của tuổi mới lớn, những trăn trở về ước mơ, về tương lai hay về cuộc sống. Tất cả, nó đều giữ trong lòng. Ngày nó rớt trường chuyên, chị buồn và thất vọng, chị đã mắng con, chị nghĩ rằng con bé không cố gắng. Bởi có đôi lúc chị thấy nó mơ màng nhìn vào khoảng không, đôi khi nó lại cười tủm tỉm một mình. Không hiểu sao chị lại nghĩ con bé chểnh mảng việc học vì yêu đương, mặc dù chưa bao giờ chị nhìn thấy con có biểu hiện lạ đối với những đứa bạn khác giới vẫn đến nhà chơi và học nhóm. Chị đã suy nghĩ quá nhiều, đã nghi ngờ con khi nó không đủ điểm để đỗ nguyện vọng 1. Chị đã mắng nó và nhìn nó bằng đôi mắt đầy nghi ngờ. Chị tự hỏi một học sinh đạt loại giỏi 9 năm liền, là học sinh giỏi Anh văn cấp quận, suốt ngày chỉ có học, học trung tâm luyện thi, trung tâm ngoại ngữ...vậy mà sao nó không thể đỗ?

Chị mắng..."Mày học hành kiểu gì vậy? Mày không thấy nhục khi bạn mày đỗ còn mày rớt à"

Con bé chỉ khóc, nó không nói gì và từ đó nó cũng không còn nói chuyện líu lo với chị như ngày trước nữa. Chị hỏi gì thì nó trả lời nấy, còn không nó chỉ ậm ừ cho qua chuyện. Suốt ngày nó vùi đầu vài sách vở và các trung tâm luyện thi. Đôi khi chị tự hỏi: Con đang nghĩ gì? Con đang buồn hay vui? Con đang cần gì? Con đang quen biết những ai? Bạn bè con có tốt với con như những người bạn ở cấp 2 không?... Những câu hỏi khiến chị không khỏi day dứt. Hôm nay nghe một chị đồng nghiệp kể chuyện con bị trầm cảm vì sự kì vọng của gia đình, thằng bé đã cố gắng trong suốt 11 năm qua, nó lúc nào cũng đứng nhất nhì lớp. Nó chỉ biết ăn và học vì tất cả mọi chuyện đã có ba mẹ, ông bà lo. Thằng bé là niềm vinh dự của cả nhà. Năm nó đạt học sinh giỏi cấp quốc gia, cả nhà mở một bữa tiệc thật hoành tráng. Nhưng rồi dạo này nó học hành sa sút, điểm Toán không còn đứng đầu. Đây lại là năm quyết định, ông bà, ba mẹ lo lắng không yên... Thằng bé hiểu điều đó nên càng cố gắng. Nó cảm thấy thật có lỗi khi không đáp ứng sự kì vọng của gia đình. Và cuối cùng nó rơi vào trạng thái trầm cảm. May mà cô giáo chủ nhiệm phát hiện những bất thường và yêu cầu gia đình đưa đi khám...

Chị nghe mà không khỏi bàng hoàng. Chị cứ nghĩ cố gắng làm việc để con được học hành tốt nhất là đã cho con một cuộc sống hạnh phúc. Chị đã không thể có dư thời gian để bên con những lúc nó khó khăn, hoang mang, cô đơn. Chị một mình nuôi con khi hôn nhân tan vỡ. Chị và anh ra tòa ngày con bé mới 3 tuổi. Và đôi lần nó có hỏi về bố nhưng chị nói bố mất rồi... con bé sau đó không hỏi nữa...


...Ngày...
Hôm nay, mình gặp một người bạn, bạn ấy cũng có hoàn cảnh giống mình. Nhưng bạn ấy chỉ có bố, còn mình thì có mẹ. Cô giáo mình bảo: "Ở bất cứ lứa tuổi nào, con người cũng cần tình yêu. Một người phụ nữ hoặc một người đàn ông, nếu phải nuôi con một mình thì rất vất vả...". Mình nghĩ hay là tác hợp cho mẹ với bố bạn ấy xem sao, không biết mẹ sẽ nghĩ gì nhỉ, chắc là mẹ sẽ mắng, mẹ hay mắng mình mà. Nhưng mà cũng như cô giáo nói thì chắc vì mẹ phải một mình nuôi con nên tính mẹ hay nóng như vậy...Tuy nhiên, mình rất vui. Nếu chuyện này thành công thì mình và bạn ấy sẽ trở thành người một nhà rồi, chắc sẽ vui lắm đây.
          ...Ngày...
          Bạn ấy bảo, bố bạn ấy đã có đối tượng rồi, nhưng bạn ấy không thích tí nào vì hình như người phụ nữ kia không được tốt cho lắm, đôi khi nhìn bạn ấy thấy sợ. Mình thật tiếc cho mẹ, và cũng tiếc cho bố bạn ấy nữa! Mà thôi, chắc hai người không có duyên với nhau. Phải tìm cho mẹ một người đàn ông khác vậy. Dạo này mình thấy mẹ nhiều lo lắng lắm, không biết mẹ lo chuyện gì nhỉ? Mẹ lại hay đi về khuya. Mình muốn hỏi mẹ nhưng sợ mẹ lại giận. Mẹ lúc nào cũng bảo: "Lo mà học cho tốt vào". Mẹ thì lúc nào cũng chỉ học và học. Đôi khi mình thấy mệt mỏi khủng khiếp.

...Ngày...
Bạn mình bị bố đánh ...

...Ngày...
Bạn ấy đã đi rồi...

...Ngày...
Đã bao lâu rồi mình không có tin tức của bạn ấy. Mình không thích đến lớp học thêm nữa. Mình cảm thấy rất buồn, rất trống trải, ước gì...

...Ngày...
Mình đã không thể đỗ vào trường chuyên như kì vọng của mẹ. Mẹ đã mắng mình...Chắc là mẹ rất buồn. Mình rất sợ phải đối diện với mẹ. Sao mình có thể chểnh mảng việc học ở giai đoạn quan trọng nhất. Mình thật rất sợ ... Mẹ chắc rất buồn... Nhưng mình cũng rất buồn, làm sao có thể nói để mẹ hiểu đây. Mình thật sự không biết phải làm gì.
          Con thật lòng xin lỗi!

...
          Cầm trên tay cuốn nhật kí của con, chị không cầm được nước mắt. Nó thật sự không giống như chị nghĩ. Đứa con gái bé bỏng của chị thật sự không hề giận khi chị mắng nó mà nó chỉ quan tâm đến mẹ, sợ mẹ buồn. Nó không phải tránh mặt chị vì giận chị mà nó không dám đối diện với mẹ, không dám vượt qua bức rào ngăn cách mà chị đã dựng lên để xác lập mối quan hệ với nó. Đứa con gái 17 tuổi của chị đã phải một mình đối diện với những mất mát của tình bạn. Nó đã phải cố gồng mình để vượt qua những khủng hoảng âm thầm trong tâm hồn... Vậy mà chị không hề hiểu con, chị chỉ quan tâm đến điểm số và vị thứ xếp hạng của nó, chị chỉ quan tâm đến thành tích ở một thời điểm nhất định mà không dõi theo sự trưởng thành của con, không cho con cơ hội để tâm sự với mẹ...

Chị dắt xe và cầm theo áo mưa chạy đến trung tâm mà con bé đang học thêm. Con bé đi vội nên áo mưa nó vẫn để ở nhà. Những con phố dài hun hút đầy mưa mở ra trước mặt. Hàng ngày, trên những con phố ấy, trong lòng thành phố này, hai mẹ con chị đã bao lâu rồi không đồng hành cùng nhau. Chị nhớ ngày còn bé, nó vẫn hay áp má vào lưng mẹ mỗi sáng đến trường và mỗi chiều tan học. Nó luôn bảo lưng mẹ thật ấm...

...
          Con bé về đến nhà.

Mưa vẫn còn dai dẳng.

Không biết mẹ đã đi làm về chưa?

Trong nhà không có ánh điện. Nó nhẹ nhàng mở cửa...

Mẹ vẫn chưa về, tự nhiên nó cảm thấy hoang mang, một mối lo sợ trỗi dậy rất thật và cũng rất sâu. Đột nhiên nó cảm thấy hai chân run rẩy. Sao giờ này mẹ chưa về? Mẹ đang ở đâu? Hồi bé, nó cũng đã có lần lo sợ như vậy khi mẹ đi làm đến tối vẫn không đến trường đón nó. Các bạn đã về hết rồi, nó đứng chơi vơi một mình trước cổng trường nhìn dòng xe cộ trôi qua một cách vô tâm, và nó đã òa khóc nức nở khi nhìn thấy mẹ đến. Mẹ ôm nó vào lòng và mẹ cũng khóc...

 Cũng như mọi ngày, nó bước nhanh qua phòng mẹ, nhưng hôm nay không hiểu sao nó lại dừng lại. Nó rất muốn vào phòng. Từ khi lên lớp 6 mẹ đã muốn nó phải ngủ riêng, nó nghe lời mẹ nhưng đêm đêm vẫn lẻn qua ôm mẹ ngủ. Cho đến khi mẹ ban lệnh cấm vận thì nó mới thôi. Hôm nay, ngay bây giờ nó muốn vào phòng mẹ. Nó muốn tìm lại những kí ức thật ấm áp, thật diệu kì bên mẹ mà rất lâu rồi nó tưởng mình đã quên. Căn phòng vẫn mang hơi thở ấm áp của mẹ. Bên cửa sổ mẹ có để thêm một lọ hoa, nhưng bông hoa đã héo, chiếc lọ thì không còn một giọt nước. Nó đến bên bàn cầm lọ hoa lên và chợt nhớ bông hoa này được cắm từ tháng trước. Đó là hôm sinh nhật mẹ, nó chỉ kịp mua tặng mẹ một bông hồng. Và năm nào cũng vậy, nó chỉ có một bông hồng tặng mẹ. Vì mẹ không cho mua quà cáp gì cả, mẹ cũng không cho mua nhiều hoa, mẹ bảo chỉ thích một bông hoa thôi. Vì nó là duy nhất. Trên bàn có cả một chồng sách, cuốn nào cũng viết về tâm lí tuổi teen. Mẹ đọc những cuốn sách này để làm gì nhỉ? Để hiểu nó ư? Nó bâng quơ mở một trang sách: " Thưa người nước mắt chảy xuôi/ Giọt mưa rơi xuống từ trời nghìn xưa". Cha mẹ yêu thương ta và chúng ta yêu thương con cái của mình bằng một tình yêu không cần đáp trả... Có đáng không em? Có đáng để chúng ta lội ngược một dòng nước mắt để yêu thương và hiểu cho cha mẹ...". Đọc đến đây, tự nhiên nó thấy những con chữ nhòe đi. Mẹ đã đứng sau lưng nó tự bao giờ. Nó quay lại, bối rối: "Mẹ, tối nay con muốn ngủ với mẹ."...

Mẹ ôm nó vào lòng và bật khóc...

                                                                                              Nguyễn Khuyến, 12/1/2019


          Quý phụ huynh và các em học sinh thân mến!

          Trong cuộc sống, sẽ có lúc cha mẹ và con cái không thể hiểu nhau. Con cái sẽ dần xa cách cha mẹ bởi cảm thấy bị áp đặt. Và bắt đầu từ đó sẽ nảy sinh rất nhiều vấn đề về cảm xúc, tâm lí của cả đôi bên. Con sẽ cho rằng cha mẹ không hiểu mình, cha mẹ thì buồn giận vì con không ngoan. Nếu không có cách giải quyết thấu đáo thì khoảng cách ngày càng lớn và sẽ gây ra những hậu quả đáng tiếc. Thật ra, chỉ có ở gia đình con người mới tìm thấy sự bình yên, đỡ nâng để vượt qua những khó khăn trong cuộc sống. Vậy nếu con cái không tìm thấy sự bình yên đó thì sẽ ra sao?

          Đây là câu hỏi mà mỗi chúng ta cần phải luôn luôn đặt ra và tìm câu trả lời để giúp từng thành viên trong gia đình có được cuộc sống hạnh phúc. Cha mẹ luôn yêu thương con bằng một tình yêu bô bờ bến. Chính vì vậy, chúng ta luôn mong con có một tương lai tốt đẹp, cố gắng cho con một cuộc sống đủ đầy. Chúng ta mong con cố gắng học để sau này có ông việc ổn định. Để đến một lúc cha mẹ không còn bên con nữa, con cũng có thể tự mình đứng vững. Vì thương con nên chúng ta muốn sắp đặt tương lai cho con. Điều đó vô tình đẩy con đến chỗ thụ động. Và khi phải chịu một chút áp lực của cuộc sống thì con không thể vượt qua. Cũng có cha mẹ vì nhiều lí do nên đặt quá nhiều áp lực lên vai con. Cho đến khi con không thể chịu nổi, phải cầu cứu trong cô đơn và tuyệt vọng vì không thể đáp ứng được sự kì vọng đó. Lúc đó sẽ có những vấn đề ngoài tầm kiểm soát xảy ra...

          Để giải quyết những vấn đề trên, không có cách nào khác hơn là chúng ta cùng lắng nghe và cùng cảm thông cho nhau. Cả cha mẹ và con cái cùng trò chuyện và bày tỏ những suy nghĩ của riêng mình. Khi đó, cha mẹ hiểu con và con cũng hiểu cho cha mẹ. Bởi cha mẹ luôn yêu thương con cái nhưng vẫn còn đó những khó khăn, trăn trở trong một kiếp con người... Cha mẹ và con cái cảm thông cho nhau thì những khúc mắc trong gia đình sẽ được giải quyết. Ở lứa tuổi THPT tuy chưa đủ trưởng thành để nhìn mọi việc một cách toàn diện và cũng không còn bé bỏng để nhìn sự vật một cách phiến diện. Cha mẹ tạo điều kiện cho con cái được bày tỏ những nguyện vọng và suy nghĩ của mình để tập cho các em suy nghĩ trưởng thành. Như vậy thì việc bày tỏ và lắng nghe giữa cha mẹ và con cái trở nên tự nhiên và nhẹ nhàng hơn...          

Bài viết này xin dành tặng cho tất cả quý phụ huynh và các em học sinh trường THSC và THPT Nguyễn Khuyến. Kính chúc quý phụ huynh và các em học sinh một năm mới vui tươi và hạnh phúc!

Xin chân thành cảm ơn quý phụ huynh và các em học sinh đã đồng hành cùng chuyên mục Lắng nghe em nói trong thời gian qua!

Trân trọng kính chào!


                                                                                   Giáo viên phụ trách

                                                                                     Phan Thị Mỹ Huệ

Top of Form

 

 

Bottom of Form

 

    GV đăng nhập xem TKB

    Tài khoản:
    Mật khẩu:

    Hướng dẫn đăng nhập

    HS đăng nhập xem điểm

    Tài khoản:
    Mật khẩu:

    Hướng dẫn đăng nhập

    Dạy và học Online

    Tuyển dụng nhân sự

    Bản đồ vị trí

    Bản đồ vị trí

    Thống kê truy cập

    • Đang truy cập: 26
    • Hôm nay: 1,920
    • Hôm qua: 5,514
    • Tuần này: 22,104
    • Tuần trước: 39,542
    • Tháng này: 97,313
    • Tháng trước: 68,286
    • Tổng cộng: 2,503,682

    Liên kết website

    Top