Tư vấn : Lắng nghe em nói

LÀM SAO KHI MÌNH CÔ ĐỘC ?

Administrator

     

 - Cô ơi, con rất buồn vì các bạn không hiểu con!

          - Cô ơi, bạn thân của con hiểu lầm, giận con và giữa chúng con có một khoảng cách rất xa, con muốn nói với bạn, muốn giải thích nhưng bạn con không muốn nghe.

          - Cô ơi, con đang bị bạn bè cô lập, đối với con, điều đó thật đáng sợ. Mỗi tối con đều  thấy những ác mộng rất khủng khiếp. Con phải làm sao ạ?

Đó là những tâm sự mà các em học sinh gửi đến chuyên mục “Lắng nghe em nói”. Những tâm sự ấy đã phản ánh một xu hướng tình cảm, cảm xúc phổ biến của lứa tuổi học sinh, đó là tâm lí rất coi trọng tình cảm bạn bè. Thế giới tình bạn đầy màu sắc rất quan trọng đối với các em. Nhu cầu giao tiếp với bạn bè cùng lứa tuổi phát triển mạnh. Trong tập thể, các em thấy được vị trí, trách nhiệm của mình và các em cũng cảm thấy mình cần cho tập thể. Khi giao tiếp trong nhóm bạn sẽ xảy ra hiện tượng phân cực – có những người được nhiều người yêu mến và có những người ít được bạn bè yêu mến. Điều đó làm cho các em phải suy nghĩ về nhân cách của mình và tìm cách điều chỉnh bản thân. Tình bạn đối với các em ở tuổi này có một ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Tình bạn thân thiết, chân thành sẽ cho phép các em đối chiếu được những thể nghiệm, ước mơ, lí tưởng, cho phép các em học được cách nhận xét, đánh giá về mình. Nhưng tình bạn ở các em còn mang màu sắc xúc cảm nhiều nên thường có biểu hiện lí tưởng hóa tình bạn. Có nghĩa là các em thường đòi hỏi ở bạn mình phải có những cái mình muốn chứ không chú ý đến khả năng thực tế của bạn.

Chính vì vậy, nếu bạn bè không đáp ứng được khung lí tưởng mà bản thân đặt ra, các em thường có cảm giác thất vọng. Hoặc giả, nếu người bạn thân có thêm một người bạn mới thì các em thường sinh ra cảm giác buồn chán, thất vọng, nghĩ mình bị bỏ rơi. Trong khi đó, ở lứa tuổi các em những kỹ năng xử lí các tình huống trong quan hệ bạn bè hay kỹ năng điều tiết cảm xúc           còn yếu nên các em thường có những cảm xúc tiêu cực. Cảm xúc ấy dồn nén từ từ và khi gặp một tác động mạnh như bị điểm thấp, thầy cô phê bình, ba mẹ la rầy hay bạn bè trêu chọc, thậm chí một câu nói đùa bâng quơ, một ánh nhìn tình cờ rất có thể tạo nên những xung động thần kinh khó kiểm soát. Chính vì vậy, ở lứa tuổi này, tình trạng khủng hoảng tâm lí rất dễ xảy ra. Các em sẽ rơi vào trạng thái sợ hãi, một dạng của ám thị thứ cấp; rằng bạn đang xem thường mình, rằng thầy cô ghét mình, rằng ba mẹ không hiểu mình…Nếu không sớm giải quyết thì những suy nghĩ tiêu cực ấy lâu dần sẽ tạo thành một niềm tin hết sức phi lí. Nghiêm trọng hơn đó là các em cảm thấy cuộc sống này thật vô nghĩa…

Để vượt qua những cảm xúc tiêu cực này, trước hết, mỗi em cần rèn luyện cho mình những kỹ năng sống cần thiết, tập suy nghĩ tích cực. Nếu không thể vượt qua được, chúng ta có thể tìm đến tâm sự với cha mẹ, thầy cô giáo hay anh chị em, bạn bè…Những nỗi niềm được thổ lộ thì trong lòng sẽ cảm thấy nhẹ nhàng hơn. Nếu khó bộc lộ với những người xung quanh thì chúng ta có thể tìm đến chuyên gia tâm lý. Với việc hiểu thấu đáo những vấn đề tâm lý lứa tuổi học sinh, các chuyên gia sẽ cho chúng ta lời khuyên hữu ích, họ sẽ giúp ta soi gương và đọc được tâm tư của chính mình để chúng ta có thể tự mình vượt qua khủng hoảng. Một cách nữa cũng rất hay đó chính là chúng ta tập đối hiện với vấn đề mà bản thân đang gặp phải bằng cách ghi nó trên giấy và dũng cảm nhìn nhận nó một cách trực diện và đơn giản nhất.

Các em thân mến!

Trong cuộc sống đầy màu sắc này, nếu chúng ta biết nhìn xung quanh, biết đặt mình vào hoàn cảnh và cảm thông với bạn bè thì chắc chắn, chúng ta sẽ nhận ra rằng bạn bè  không ít thì nhiều đều có những nỗi niềm riêng. Hạnh phúc và khổ đau, bình an và lo lắng đều thường trực trong đời sống mỗi người. Nên ở lứa tuổi học sinh, bằng cách nào tốt nhất có thể, chúng ta hãy  sống chan hòa với các bạn, quan tâm đến bạn bè nhiều hơn. Nếu bạn bè có khó khăn cần giúp đỡ, trong khả năng của mình, chúng ta hãy cho bạn mình một điểm tựa tinh thần. Một ánh mắt cảm thông ấm áp, một cái nắm tay thật chặt khi bạn buồn, một bản nhạc vui trong buổi chiều nhớ nhà…có thể sẽ là những liều thuốc vô cùng hữu ích mà chúng ta có thể mang đến cho nhau. Đừng bao giờ để một bạn nào đó rơi vào trạng thấy cảm thấy mình bị cô lập, bị bỏ rơi. Chúng ta đã đọc rất nhiều câu chuyện, rằng những người cô độc thường là nạn nhân của tội ác, hoặc giả chính là người gây ra tội ác…

Hãy nắm chặt tay nhau, ngồi lại bên nhau và cho nhau những tình cảm chân thành! Đừng bao giờ đẩy chính mình và một ai đó bên cạnh mình trôi vào khoảng không cô độc các em nhé!

Giáo viên phụ trách

Phan Thị Mỹ Huệ

 

    GV đăng nhập xem TKB

    Tài khoản:
    Mật khẩu:

    Hướng dẫn đăng nhập

    HS đăng nhập xem điểm

    Tài khoản:
    Mật khẩu:

    Hướng dẫn đăng nhập

    Dạy và học Online

    Tuyển dụng nhân sự

    Bản đồ vị trí

    Bản đồ vị trí

    Thống kê truy cập

    • Đang truy cập: 4
    • Hôm nay: 1,356
    • Hôm qua: 6,817
    • Tuần này: 30,532
    • Tuần trước: 18,154
    • Tháng này: 66,199
    • Tháng trước: 68,286
    • Tổng cộng: 2,472,568

    Liên kết website

    Top