Tư vấn : Lắng nghe em nói

LÀM GÌ KHI TA MẤT NIỀM TIN?

Administrator

 

 

- Cô ơi, con cảm thấy thật sự sợ hãi mọi thứ xung quanh!

- Con sẽ làm gì khi bước ra xã hội? Con không dám tin mình có thể đứng vững!

- Vì sao ba mẹ và các bạn không tin tưởng con? Chắc là do con học không giỏi, con rất xấu?

- Con thật sự không biết mình sẽ làm được gì? Liệu con có thể đỗ đại học không? Tại sao điểm số của con mãi vẫn không được như ba mẹ con kì vọng?

- Con cảm thấy thật sự mỏi mệt và trống rỗng!

 

Các em thân mến!

 

Những câu hỏi mà các em đặt ra và gửi đến chuyên mục “lắng nghe em nói” đã phản ánh một thực tại đang hiện diện trong tâm hồn của rất nhiều bạn trong số chúng ta.  Đó chính là những băn khoăn, trăn trở, lo âu, hoang mang của lứa tuổi mới lớn. Trước cuộc đời, với những quy luật riêng, các em cố gắng lí giải nó bằng tư duy của chính mình. Có những điều các em hiểu, nhưng cũng có rất nhiều vấn đề mà dù có cố gắng bao nhiêu các em cũng không thể lí giải được. Ví như vì sao bạn bè lại ngày càng xa mình mặc dù mình không làm gì sai trái? Vì sao bố mẹ lại muốn mình trở thành người mình không muốn? Tại sao bài toán bạn có thể giải được một cách dễ dàng còn mình dù cố gắng cũng không thể nào làm nổi? Tại sao bạn có thể dễ dàng nở nụ cười còn mình thì không?...Tại sao có những cặp vợ chồng li hôn? Tại sao một người mẹ lại có thể giết con mình? Tại sao thầy cô giáo lại có thể đánh phạt học sinh một cách vô cùng tàn nhẫn? Tại sao người giàu thì rất giàu còn người nghèo lại rất nghèo? … Bao nhiêu điều đặt ra cho các em trước ngưỡng cửa vào đời. Và nếu không thể lí giải một cách hợp logic, các em sẽ cảm thấy hoang mang. Từ đó, các em dễ dàng mất niềm tin sâu sắc vào cuộc sống. Đặc biệt, nếu không có người lắng nghe thì từ chỗ mất niềm tin ở chính mình và niềm tin vào cuộc sống, các em hình thành một niềm tin sai lệch mà trong Tâm lí học gọi là niềm tin phi lí.

Khi đã hình thành niềm tin phi lí rằng mọi thứ đều xấu xa, bản thân mình bất tài, vô dụng, chẳng làm nên trò trống gì…thì các em sẽ dần đi đến xu hướng phủ nhận chính mình, phủ nhận tất cả những điều đẹp đẽ xung quanh. Thực tế cho thấy, niềm tin phi lí bắt nguồn từ những suy nghĩ âm tính, sai lệch, méo mó rất phổ biến ở người bị trầm cảm. Điều này dẫn các em đến quan điểm âm tính một cách kiên định về bản thân, về tương lai và về thế giới. Từ đó, các em dễ hủy hoại chính mình bằng nhiều cách và điều đó sẽ để lại những hậu quả rất đau lòng cho gia đình, nhà trường và xã hội.

 

Vậy để không rơi vào tình trạng trên, các em cần tập suy nghĩ tích cực, cố gắng nhìn nhận mọi sự việc ở góc độ lạc quan. Nếu không thể có được thái độ đó, chúng ta cần tìm đến người thân, cha mẹ, thầy cô giáo hay bất cứ ai chúng ta cảm thấy tin tưởng. Hoặc giả có thể tự thôi miên chính mình bằng cách nhắm mắt lại và cố gắng tập trung vào những niềm tin giả tưởng vào một điều gì đó mà chúng ta tự xây dựng. Ví dụ có thể qua một hình tượng siêu nhân mà chúng ta đã được xem từ nhỏ. Chúng ta cũng có thể ghi tất cả những điều mình suy nghĩ trên giấy, tập đối diện trực tiếp vấn đề của chính mình và tích cực phân tích những suy nghĩ ấy ở sự toàn diện, đặt vấn đề ở nhiều phương diện, nhiều góc độ để nhìn nhận. Cần nhất là tập phân tích và lí giải một cách thấu đáo. Như vậy, chúng ta sẽ trở nên mạnh mẽ hơn. Những người mất niềm tin thực sự rất yếu đuối nhưng lại cố tỏ ra mình là người mạnh mẽ, chính vì vậy ở giai đoạn khủng hoảng niềm tin ban đầu, chúng ta cố gắng che đậy. Đến lúc tất cả dồn nén, chúng ta không đủ sức chống đỡ lại và bắt đầu buông xuôi để niềm tin sai lệch dẫn dắt trí tuệ đi đến những suy nghĩ sai lầm về thế giới xung quanh.

 

Và nếu không thể tự mình tìm cách hóa giải để xóa bỏ niềm tin phi lí thì các em có thể tìm đến chuyên gia tâm lí. Ở đây, chuyên gia sẽ cho các em những liệu pháp vượt qua sự khủng hoảng về niềm tin. Ví dụ như liệu pháp nhận thức, liệu pháp này tập trung vào các loại niềm tin khác nhau của các em về sự mong đợi, sự đánh giá, sự qui kết nhân quả và trách nhiệm của chính mình. Khi các em đã xác định nội dung niềm tin trong nhận thức, chuyên gia sẽ khuyến khích nhìn nhận những nhận thức đó như một giả thuyết chứ không phải là thực tế. Có nghĩa rằng, những niềm tin của các em như vậy có thể là một khả năng, nhưng không nhất thiết đó phải là sự thật.

 

Việc tạo ra một khung niềm tin chỉ là một giả thuyết được gọi là “khoảng cách”. Đây là cách thức mà một người có thể tự bản thân tách ra một niềm tin để cho phép mình kiểm tra một cách khách quan hơn về niềm tin đó. Thông qua việc xem xét, khảo sát kỹ lưỡng và cẩn thận về niềm tin, các em có thể từ từ đạt tới một quan điểm khác. Khi niềm tin thay đổi một cách đúng đắn, sẽ kéo theo thay đổi phản ứng cảm xúc. Như vậy, một phản ứng rối loạn cảm xúc trước một sự kiện hoặc một vấn đề đều có cơ sở nhận thức của nó. Với việc làm suy yếu cơ sở nhận thức này, phản ứng cảm xúc sẽ lắng xuống.

 

Trong thời gian tham vấn, chuyên gia sẽ kiểm tra những niềm tin mà các em trình bày liên quan đến quan điểm về bản thân, về tương lai và về thế giới. Ba lĩnh vực này được gọi là “Bộ ba nhận thức”, và kết luận các em có sự bất thường của một hay nhiều hơn trong ba lĩnh vực này hay không để nhận định mức độ rồi đề ra những cách thức điều trị phù hợp để giúp các em lấy lại niềm tin trong cuộc sống.

 

 

Giáo viên phụ trách

Phan Thị Mỹ Huệ

    GV đăng nhập xem TKB

    Tài khoản:
    Mật khẩu:

    Hướng dẫn đăng nhập

    HS đăng nhập xem điểm

    Tài khoản:
    Mật khẩu:

    Hướng dẫn đăng nhập

    Dạy và học Online

    Tuyển dụng nhân sự

    Bản đồ vị trí

    Bản đồ vị trí

    Thống kê truy cập

    • Đang truy cập: 6
    • Hôm nay: 6,003
    • Hôm qua: 9,056
    • Tuần này: 28,362
    • Tuần trước: 18,154
    • Tháng này: 64,029
    • Tháng trước: 68,286
    • Tổng cộng: 2,470,398

    Liên kết website

    Top