Kỷ yếu - tập san

Kinh nghiệm ôn thi tốt nghiệp và đại học

Kinh nghiệm ôn thi tốt nghiệp và đại học

Administrator
Việc ôn thi có vai trò không nhỏ giúp thành công trong học tập. Do đó, tôi có một vài kinh nghiệm muốn chia sẻ cùng các bạn về thời gian ôn thi tốt nghiệp 12 và đại học từ đầu tháng 3 cho đến kỳ thi Đại Học...

Đầu tháng 3, đó là lúc mà tôi hồi hộp và căng thẳng nhất. Một mặt làm hồ sơ thi đại học, mặt khác tôi lại chờ môn thi tốt nghiệp. Trong khoảng thời gian này, tôi khuyên các bạn nên suy nghĩ và được tư vấn thật kỹ (từ người thân quen, cha mẹ, thầy cô, chuyên gia, internet, sách hướng nghiệp, …) trước khi lựa chọn ngành học. Chúng ta nên chọn dựa trên sở thích, phù hợp với tính cách và khả năng của mình, không nên chọn vì ngành đó là thời thượng hay chỉ chọn vì đó là ý của cha mẹ (mặc dù mình không thích). Ta nên làm mỗi khối hai bộ hồ sơ, một bộ vào trường mình thích, một bộ vào trường thấp điểm để tránh rủi ro về sau. Về học tập, đây cũng là lúc gấp rút hoàn thành chương trình 12 nếu chưa xong. Và nếu xong rồi thì chúng ta nên chuyển ngay sang giai đoạn ôn ba môn cơ bản trong chương trình thi tốt nghiệp là Toán, Văn và Anh.

Sang tháng 4, tôi tập trung toàn bộ vào việc ôn thi tốt nghiệp và chủ yếu là cho ba môn. Thường nếu có Địa lý thì đây là môn cực kỳ khó xơi, đòi hỏi nhiều kỹ năng. Do đó nếu có môn này thì đó là tâm điểm chính trong giai đoạn tháng 4. Cần chia cho mình một lịch học cụ thể xen kẽ môn tự nhiên và xã hội, vì học thuộc bài rất dễ gây nhàm chán và đặc biệt là gây mê....không hồi sức! Không tạo tư thế học liên quan đến nghỉ ngơi và phải tập trung cao độ. Đây là khoảng thời gian khó vì phải hoàn tất các môn học bài trong một tháng, nhưng tôi nghĩ đó là cách thích hợp để có nhiều thời gian ôn thi đại học.

 

Tháng 5 là tháng hoàn thiện. Đây là lúc ôn lại các kiến thức đã học nhằm thi tốt nghiệp, và cũng là lúc nên đặt nặng vấn đề ôn đại học lên trên hết. Ôn thi đại học là hệ thống kiến thức và làm thật nhiều bài tập cho nhuần nhuyễn. Tôi nghĩ thi đại học chỉ cần tiếp xúc tốt nhiều dạng câu hỏi là khả năng được điểm 7, không cần có tố chất thông minh gì để đạt đến điểm đó cả ( tất nhiên tôi đề cập môn tự nhiên, còn môn xã hội tôi không hiểu biết nhiều lắm). Với các môn Lý, Hóa, Sinh thì nên đánh đề trắc nghiệm 50 câu có thời gian (thường là 70 phút thôi, 90 phút bình thường thì khi vào phòng thi sẽ khớp), còn Toán nên làm cả đề trong khoảng 150 phút. Cần chấm điểm và tự đánh giá mức độ tiến bộ của mình. Nếu câu nào khó nhớ, thường bị sai thì nên chép ra một cuốn tập riêng để dễ ôn lại. Trong khi thi tốt nghiệp, nên dùng mỗi buổi tối để ôn sơ lược tổng quát môn thi ngày hôm sau, sẽ làm mình thấy tự tin hơn.

Cuối cùng là tháng 6. Nửa tháng đầu nên gấp rút hoàn tất những cuốn sách ôn thi đại học mình đã chọn và nửa tháng sau là sửa chữa lại những lỗi sai mình đã mắc phải (một cách ôn rất chính xác và hiệu quả là ôn trong cuốn tập ghi chép lỗi sai, vì nó giúp loại bớt những kiến thức mà mình đã nắm được). Nếu ai muốn thi khối B thì khoảng thời gian ôn lý thuyết tốt nhất là tháng 6. Không quá sớm cũng không quá muộn.

Tuần cuối cùng trước khi thi chúng ta đừng nên học nhiều (càng học sẽ càng rối). Hãy dùng thời gian này ngồi suy nghĩ lại tất cả những gì mình đã học, còn thiếu cái gì thì lấy sách ra xem ngay. Chúng ta không cần ôn sâu nữa vì có ôn cũng không kịp. Nên ngủ sớm và ăn uống đủ chất. Lúc nào, bạn cũng giữ cho đầu óc trong trạng thái tốt nhất, tránh việc lo lắng hay tự tạo áp lực. Bên cạnh đó, chúng ta nên làm những công việc gia đình nhẹ như lau nhà, tưới cây,...

 

Khi bước vào phòng thi, tôi thường mang theo hai cái khăn giấy ướt, và trước khi xem đề tôi thường hít thở sâu. Tôi vẫn thường làm việc thở sâu trước khi cầm đề trong suốt năm 12, và tôi thấy tác dụng nó đem lại là sự bình tĩnh và tự tin!

 

Đề thi đại học không phải toàn những câu khó (câu khó ít nhưng toàn nằm giữa bài). Vậy nên hãy đánh những câu dễ trước. Đừng để tâm đến những câu khó, nó sẽ gây áp lực về mặt tâm lý. Nếu đột nhiên gặp câu nào suy nghĩ khoảng 20 phút (với tự luận) và 5 phút (với trắc nghiệm) mà chưa ra thì bỏ ngay. Đừng để nó cuốn vào vòng suy nghĩ về câu đó. Khi làm các câu khác xong thì quay về giải quyết tiếp.

 

Dùng 10 phút trước khi hết giờ để kiểm tra đối với môn Toán. Ăn chắc còn hơn là làm nhiều. Với trắc nghiệm thì đánh được câu nào thì chắc đúng câu đó luôn. Nếu dành thời gian dò những 50 câu thì rất mất thời gian. Đây là phương pháp làm đề thi tư duy logic của đại học FPT mà tôi thấy hiệu quả. Thi xong môn nào quên ngay môn đó để tinh thần thi môn tiếp theo. Bạn nào có bản lĩnh thì nên để cha mẹ dò kết quả, sẽ giúp ta vạch được chiến thuật đánh tiếp những môn còn lại. Nếu như khối đầu tiên ta thi không thành công thì nên dùng phương án phòng ngừa rủi ro cho khối còn lại. Tôi nghĩ khi đi thi, 60% thành công phụ thuộc vào kiến thức, còn 40% là tâm lý. Vai trò của tâm lý rất lớn nên đừng để bị mất tinh thần.

 

 

Đã trải qua hai kỳ thi quan trọng đối với tất cả học sinh, tôi hi vọng những chia sẻ trên sẽ giúp ích được phần nào cho các bạn học sinh khóa sau, chúc các bạn có một mùa thi với những thành tích như mong muốn!

 

Chúc các thầy cô luôn dồi dào sức khoẻ, hạnh phúc và thành công!

 

 

Trần Duy Khiêm

(Thủ khoa Đại học Ngoại thương năm 2008-2009)

    GV đăng nhập xem TKB

    Tài khoản:
    Mật khẩu:

    Hướng dẫn đăng nhập

    HS đăng nhập xem điểm

    Tài khoản:
    Mật khẩu:

    Hướng dẫn đăng nhập

    Dạy và học Online

    Tuyển dụng nhân sự

    Bản đồ vị trí

    Bản đồ vị trí

    Thống kê truy cập

    • Đang truy cập: 25
    • Hôm nay: 2,359
    • Hôm qua: 3,864
    • Tuần này: 22,600
    • Tuần trước: 26,141
    • Tháng này: 105,932
    • Tháng trước: 349,187
    • Tổng cộng: 3,456,010

    Liên kết website

    Top