Tư vấn : Lắng nghe em nói

HIỂU

HIỂU

Administrator

HIỂU

- Con cảm thấy rất buồn bởi xung quanh chẳng ai hiểu con!

- Mỗi đêm con đều thấy rất khó ngủ bởi lúc nào con cũng cảm nhận có ai đó đang cười chê con!

- Mới đây, đứa bạn thân đã giận con mà con không hiểu vì sao?

- Con cảm thấy chênh vênh và nhiều áp lực!

- Con không thể tâm sự với ba mẹ vì ba mẹ con lúc nào cũng bận rộn.

Đó là những trăn trở, những nỗi niềm của rất nhiều học sinh khi các em tâm sự trong chuyên mục “Lắng nghe em nói”. Các em ở độ tuổi này đang trong quá trình hoàn thiện nhân cách. Thông qua những trăn trở, những suy nghĩ và những yếu tố tâm lí để chúng ta định hướng giáo dục là một phương pháp rất hữu hiệu để giúp các em ngày một tốt hơn.

Xuất phát từ mục đích cao đẹp đó, Ban tham vấn tâm lí xin gửi đến quý phụ huynh và các em học sinh những câu chuyện chứa đựng bao thông điệp đầy ý nghĩa. Để các em học sinh trên mọi miền đất nước đến với gia đình Nguyễn Khuyễn không phải chỉ với mục tiêu đỗ Đại Học mà còn có thể hoàn thiện những kỹ năng quan trọng để bước vào đời.

 

CÂU CHUYỆN THỨ NHẤT.

Ngày tôi vào lớp 1…

Mẹ thường đưa tôi đi học vào mỗi buổi sáng sớm, hai mẹ con đi qua những con đường đầy khói bụi. Trong kí ức non nớt của tôi, mẹ lúc nào cũng vội vàng. Mẹ hay dừng bên đường, mua cho tôi hộp xôi, hay hộp cơm chiên và thả tôi ở cổng trường. Tôi chênh vênh trong những ngày đầu nhưng sau đó cũng dần quen với điều ấy. Tôi thường có mặt ở trường sớm nhất, tôi lang thang khắp các ngõ ngách trong sân trường, lúc thì chơi với lũ cá trong hồ, lúc thì đuổi theo bạn dế dưới những ngọn cỏ. Tôi cảm thấy điều đó làm mình quên đi sự tủi thân khi không được như các bạn. Có những bạn được cả ba mẹ chở đi học và những phụ huynh ấy còn đứng đợi con mình ăn sáng. Một vài bạn biếng ăn ba mẹ còn phải đút. Rất nhiều người mẹ còn hôn con trước khi quay đi, họ còn dặn con rất nhiều thứ. Còn mẹ tôi, chỉ một lời: “Ăn đi con, rồi vào lớp!”. Mẹ nói rồi quay đi ngay. Mẹ đang vội!

Từ ấy đến nay, trong kí ức của tôi, mẹ lúc nào cũng vội. Mẹ có lẽ chẳng quan tâm đến cảm giác của tôi như những phụ huynh khác quan tâm đến con họ. Tôi nhớ trong tất cả những năm học Tiểu học, mẹ chưa bao giờ đi dự những ngày lễ quan trọng. Năm lớp 3, tôi được chọn đi thi Học sinh giỏi và đạt giải cao, nhà trường tố chức phát thưởng vào ngày tổng kết, tôi rất mong mẹ có thể đến dự, nhưng mẹ chỉ nói ngắn gọn: “Mẹ bận rồi! Xin lỗi con nhé!”. Tôi thật sự rất buồn, tôi không còn nhớ cảm xúc cụ thể của mình lúc đó. Nhưng thật sự có một nỗi thất vọng ghê gớm đang vây lấy tâm hồn tôi.

Trong những năm học Trung học cơ sở, tôi cũng sống trong cảm giác ấy, cảm giác bị bỏ rơi trong chính ngôi nhà của mình. Bởi mẹ lúc nào cũng có việc của mẹ. Còn ba tôi thì thường xuyên đi công trình, hai ba tháng mới về một ngày. Ba chỉ hỏi: “Học hành thế nào con?”. Sáng hôm sau khi tôi chưa dậy thì ba đã đi rồi. Tôi còn chưa kịp nói với ba những điều khó khăn mà một đứa con trai trong tuổi dậy thì gặp phải.

Ngày tôi vào lớp 10…

“Con sẽ vào học trường Nguyễn Khuyến, bởi mẹ sẽ không có thời gian chở con đi học thêm và cũng không yên tâm cho con tự đi xe đạp!”

Vậy là tôi vào học ngôi trường này!

Tôi cũng đã quen rồi! Trước những quyết định của mẹ, tôi chỉ tuân thủ một cách máy móc. Bởi từ nhỏ, tôi có bao giờ được trò chuyện với mẹ đâu! Ngày đầu tiên, cô giáo quản nhiệm bảo chúng tôi viết lên những suy nghĩ, trăn trở, ước mơ của mình. Cô bảo cứ viết tất cả và không cần phải ghi tên. Tôi đã suy nghĩ rất lâu mới có thể viết được một câu: “Ước gì con có thể hiểu được những suy nghĩ của mẹ!”. Chỉ một câu duy nhất thôi, nhưng có lẽ đó là điều mà tôi luôn ám ảnh. Cô giáo tôi chắc cũng đã có nhiều kinh nghiệm với những trường hợp như vậy. Cho nên hôm sau cô đã tâm sự …

…Mỗi ngày cô đi trên biết bao con phố Sài Gòn. Cô thấy muôn mặt con người, những con người đầy lo toan và vội vã. Nhiều khi cô thấy mình như trôi đi trong một cuộc mưu sinh bởi trách nhiệm và bởi tình thương. Cô có một người mẹ, một người cha. Họ đã già và cô phải có trách nhiệm sống thật tốt cuộc đời mình để báo hiếu cho cha mẹ. Trên những con đường ấy có rất nhiều người có lẽ giống cô, ai cũng có một cuộc mưu sinh để mình trôi trong đó, để mình hoàn thành những trọng trách của một cuộc đời. Cô cũng thấy những người làm cha làm mẹ, chở đằng sau là những đứa trẻ vừa ăn vội miếng bánh mì vừa ngủ gật. Cô chợt nhớ đến cha mẹ cô trong những tháng ngày ấy, cũng chở con đến trường, cũng vội đến cơ quan và chiều về cũng luôn vội vàng như vậy.

Các con biết không?

Trong cuộc sống đôi khi chúng ta luôn mong muốn mọi người xung quanh phải hiểu cho mình mà mình chưa bao giờ tự nhắc bản thân phải hiểu cho họ, nhất là những người thân. Nếu chúng ta có thể hiểu những mối lo toan của cha mẹ trong một kiếp người với trách nhiệm của một đứa con, với trách nhiệm của những đấng sinh thành thì chúng ta mới hiểu gánh nặng trên đôi vai của cha mẹ như thế nào. Chúng ta có một cuộc đời và  chúng ta phải sống thật trọn vẹn chứ không phải để nương tựa vào người khác. Cô ước rằng ngay từ khi còn bé, cô có thể hỏi ba mẹ mình hôm nay có mệt không, cô có thể tự khoe với ba mẹ những thành tích đã đạt được, cô có thể khen những món ăn mẹ nấu rất ngon, cô có thể yêu cầu được giúp đỡ mẹ, cô có thể dắt xe cho ba mẹ mỗi sáng, cô có thể xoa bóp tay chân cho ba mẹ mỗi buổi tối, cô ước mình có thể tự bảo vệ, tự sống thật vui vẻ và vững vàng để ba không phải lo lắng, để mẹ không phải khóc… Cô ước mình làm điều đó sớm hơn chứ không phải đợi đến bây giờ…

Nghe cô nói, tôi chợt hiểu ra rất nhiều điều. Tôi nhớ lại hồi năm lớp 2. Hôm ấy, trời mưa như trút nước…Tôi đợi mẹ rất lâu, rất lâu…Các bạn đã về hết, mình tôi đứng chơi vơi. Tôi đã chạy ra cổng để ngóng mẹ, mặc cho trời mưa gió. Tôi sợ hãi cũng cực. Hoa bàng rụng xuống đầu và vai tôi từng đợt. Người tôi ướt sũng, rét run. Nhưng tôi vẫn đứng đó…

Mẹ về, người mẹ cũng ướt sũng, mẹ ôm lấy tôi và lúc ấy tôi òa khóc…

Tôi chợt nghĩ tại sao lúc ấy tôi không vào trong sảnh để đợi, để mẹ không phải lo lắng cho tôi. Hôm ấy mẹ cũng khóc và rất nhiều lần nữa tôi cũng thấy vai mẹ rung lên khi tôi vô tình đi ngang phòng mẹ, khi tôi vô tình nhìn qua khung của sổ. Tôi cũng không nhớ nổi mình đã bao nhiêu lần nhìn thấy mẹ khóc và tôi càng không biết mẹ đã khóc bao nhiêu lần. Những lần ấy nguyên nhân là gì? Tôi ước mình có thể hiểu được mẹ, hiểu được những nỗi lo lắng của mẹ!

Cô tôi còn nói: “Thật sự những người mẹ được nấu cơm cho con, được lắng nghe con nói, được có thời gian đi dạo cùng con, được sống cùng với những cảm xúc của con…là những người mẹ hạnh phúc nhất! Còn những người mẹ vì mưu sinh không thể làm được những việc ấy, thì chúng ta đều hiểu họ sẽ buồn như thế nào, họ sẽ ray rứt như thế nào!”. Cho nên, nếu chúng ta vẫn còn trong lòng những oán trách về cha mẹ, chúng ta hãy thử một lần tự hỏi chính mình: Có bao giờ chúng ta hiểu những mối lo của cha mẹ chưa? Có bao giờ chúng ta cố gắng để hiểu chưa?...

 

                                           WWWWWWW

Các em học sinh thân mến!

Các em đã thực sự bước vào giai đoạn hoàn thiện để trưởng thành, nên phải tập suy nghĩ trưởng thành để cuộc đời mình thật sự có ý nghĩa các em nhé!

Kính mời quý Thầy Cô giáo, quý Phụ Huynh và các em học sinh đón đọc những câu chuyện kỳ sau.

Trân trọng cảm ơn!

 

Giáo viên phụ trách 

                                                                                                     Phan Thị Mỹ Huệ

    GV đăng nhập xem TKB

    Tài khoản:
    Mật khẩu:

    Hướng dẫn đăng nhập

    HS đăng nhập xem điểm

    Tài khoản:
    Mật khẩu:

    Hướng dẫn đăng nhập

    Dạy và học Online

    Tuyển dụng nhân sự

    Bản đồ vị trí

    Bản đồ vị trí

    Thống kê truy cập

    • Đang truy cập: 1
    • Hôm nay: 3,441
    • Hôm qua: 5,145
    • Tuần này: 14,221
    • Tuần trước: 39,542
    • Tháng này: 89,430
    • Tháng trước: 68,286
    • Tổng cộng: 2,495,799

    Liên kết website

    Top