Kỷ yếu - tập san

Hạnh phúc của đời đi học

Hạnh phúc của đời đi học

Administrator
TO - ​“Hằng năm cứ vào cuối thu, lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc, lòng tôi lại nao nức những kỷ niệm mênh mang của buổi tựu trường".

 

Niềm vui của các em trong ngày khai giảng - Ảnh: Hữu Khoa

Và hằng năm cứ đến mùa khai giảng trong tiết thu mát mẻ, những câu văn trong trẻo của nhà văn Thanh Tịnh lại khơi gợi trong tôi những miên man và cả băn khoăn về việc: đi học.

Ngày xưa, quả thật lúc nhỏ tôi chẳng hiểu được tẹo gì về giá trị của việc đi học dù người lớn vẫn luôn nhắc thế, mà chỉ tràn ngập là sự mâu thuẫn, đấu tranh với việc đi chơi (bây giờ sự mâu thuẫn đó có vẻ cũng chẳng vơi đi là bao mà chỉ chuyển từ vấn đề này sang vấn đề khác). Đi học chỉ vui nhất là gặp thầy cô, bạn bè, được biết thêm điều mới lạ.

Thế nên cũng không ít lần đứa bé tôi ngày trước trường kỳ chống đối lại bậc phụ huynh khả kính vì bị “bắt đi học”, do đơn giản trong lúc ấy đứa bé đó chỉ muốn đi chơi, được vui đùa mà lại được “định hướng” đi học những thứ tôi chẳng biết giá trị hay cảm nhận thú vị gì cả.

Mãi sau này đọc sách tôi mới tìm thấy sự lý giải cho cảm giác "sợ học" của mình bắt đầu từ đâu, trong tư tưởng của Jean-Jacques Rousseau: "Giáo dục là bản thân đời sống, chứ không phải là sự chuẩn bị mông lung cho trạng thái tương lai mơ hồ, bất định, xa lạ với với cuộc sống thực của đứa trẻ (“Ảnh hưởng sâu đậm của Rousseau”, Bùi Văn Nam Sơn, Người Đô Thị, bộ mới số 10, 27-3-2014).

Học tập suốt đời: có cần không?

Bây giờ khi đã lớn hơn, tôi không còn thắc mắc về giá trị và sự cần thiết của việc đi học nữa, nhưng không có nghĩa là mọi thứ trở nên đơn giản, vì ngay trong hiện tại hay tương lai gần sắp tới đều là bất định chứ đừng nói đến viễn cảnh của tương lai xa xôi nào đó.

Không phải dễ để mỗi người trẻ đều có thể "lên lịch" cho cuộc đời đi học của mình nếu như nhà trường, xã hội và cả bản thân họ không tiếp cận được nhận thức về sự bất định. 

Thế giới ngày nay là bất định, luôn thay đổi và chu kỳ thay đổi ngày càng ngắn hơn và nhanh hơn nên kiến thức và kỹ năng bỗng chốc lỗi thời trong bối cảnh của sự chạy đua, cạnh tranh khốc liệt. Chính vì thế, đòi hỏi mọi người phải tự trang bị thêm cho mình những kiến thức mới, kỹ năng mới, phát huy tối đa khả năng sáng tạo cùng với sự tăng cường kết hợp, cộng tác giữa những cá nhân chuyên môn hóa khác nhau để đối phó, chinh phục những vấn đề, bài toán ngày càng nhiều hơn, khó hơn, lớn hơn và mang tính liên ngành nhiều hơn.

UNESCO cũng đã khẳng định tầm quan trọng của việc học tập suốt đời trong “Learning: the treasure within”, 1996 (lượt trích từ “Dạy và học theo quan điểm học suốt đời”, tạp chí Tia Sáng, 2008): “Cách duy nhất là học và cập nhật kiến thức suốt quãng đời của anh ta (lifelong learning) để biết, để hiểu, để có thể giao tiếp với người khác, để hiểu chính mình, hiểu người khác và để có thể tồn tại (learn to be).

Và vì thế giới ngày càng xích lại gần nhau, mỗi cá nhân là một mắt xích trong xã hội và phụ thuộc lẫn nhau nên bản thân mỗi cá nhân không chỉ học cho riêng mình mà còn học cho cả cộng đồng, học lẫn nhau và học để chung sống với nhau (learn to live together)”. 

Học tập suốt đời: có mệt không?

Áp lực cho việc học tập suốt đời như thế có mệt mỏi không? Thú thật dù rằng là chỉ phạm vi cá nhân, lúc này tôi chưa dám trả lời chắc chắn tuyệt đối vì có lẽ câu trả lời chung kết chỉ xảy ra ở tôi ngay tại khoảnh khắc cuối đời, lúc đó thẩm quyền phán xét về... chính cuộc đời của tôi mới có thể là trọn vẹn đầy đủ.

Ở một mức đơn giản hơn, việc chọn lựa kế hoạch là làm việc cật lực trong khi còn tràn đầy năng lượng để chuẩn bị cho thời gian nghỉ hưu thoải mái sau này, hay xem làm việc như một lẽ sống đến tận những ngày tháng cuối đời như khi nào còn có thể cũng mang lại trong tôi sự phân vân. 

Thôi thì cứ xem việc học suốt đời giúp việc tìm hiểu chân lý nhằm giúp trang bị cho công việc, đời sống; hoặc đôi khi chỉ đơn giản để biết thêm, để hiểu thêm, để thấy đẹp hơn những điều xung quanh trong cuộc sống. Nhưng khi nào, lúc nào và việc gì sẽ áp dụng cách thức nào cũng đâu tránh được rắc rối.

Và việc như thế này, từ rất xưa trên hành trình truy tìm chân lý (học tập suốt đời), Aristoteles đã nhìn nhận đầy mâu thuẫn khi tuyệt đối vai trò chân lý qua câu nói nổi tiếng có đề cập đến người thầy kính yêu của mình: “Tôi yêu Platon, nhưng còn yêu chân lý hơn nhiều”.

Vậy đó, khái niệm thì phổ quát nhưng mục tiêu và nhận thức cá nhân thì cụ thể,  nhờ thế mà tôi thấy nhẹ lòng.

Ngoài kia nắng vàng như sưởi ấm cho làn sương mai cuối thu và tôi cảm được tâm hồn bình dị của Thanh Tịnh... “Tôi không thể nào quên được những cảm giác trong sáng ấy nảy nở trong lòng tôi như mấy cánh hoa tươi mỉm cười giữa bầu trời quang đãng".

 
NGUYỄN TRẦN THÀNH

Nguồn : tuoitre.vn

 

    GV đăng nhập xem TKB

    Tài khoản:
    Mật khẩu:

    Hướng dẫn đăng nhập

    HS đăng nhập xem điểm

    Tài khoản:
    Mật khẩu:

    Hướng dẫn đăng nhập

    Dạy và học Online

    Tuyển dụng nhân sự

    Bản đồ vị trí

    Bản đồ vị trí

    Thống kê truy cập

    • Đang truy cập: 5
    • Hôm nay: 2,292
    • Hôm qua: 2,804
    • Tuần này: 9,977
    • Tuần trước: 14,278
    • Tháng này: 26,406
    • Tháng trước: 110,897
    • Tổng cộng: 3,612,689

    Liên kết website

    Top