Tôi nhớ những buổi sáng lạnh giá, cha đã phải rời khỏi nhà từ rất sớm với chiếc áo mỏng manh, tay cầm cái xẻng, cái cuốc hay bao phân. Đến giờ tôi mới hiểu nỗi nhọc nhằn của cha, tôi vô tình không nhận ra những vết nhăn trên đang dần hằn sâu trên khuôn mặt và những đốm hoa râm trên mái tóc cha.
Cha tôi là một người nông dân bình thường, nhưng chẳng hiểu vì sao từ nhỏ tôi đã biết quý cái nghề chân lấm tay bùn ấy. Tôi luôn tự hào khi có ai hỏi cha tôi làm gì và sẵn sàng giải thích thêm cha tôi là một người nông dân chăm chỉ và còn là một người cha tuyệt vời, lúc nhỏ tôi nghĩ từ cha cũng đồng nghĩa với một nghề nào đó vậy chứ không hiểu hết ý nghĩa của cái từ cao quý và thiêng liêng ấy.
Tôi bắt đầu vào mẫu giáo, cứ mỗi buổi trưa cha lại đèo tôi đi học bằng chiếc xe đạp cũ, chiếc xe ngày xưa ông bà nội mua lúc cưới. Cái nắng gay gắt của miền Nam hai mùa mưa nắng cùng với tuổi thọ quá tầm của chiếc xe đạp cũ làm cha tôi phải gò mình vượt qua những chỗ khúc khủy khó đi, lưng áo cha thì ướt đẫm mồ hôi. Thời gian cứ thế trôi đi, vậy mà cha đã đưa tôi đi một quãng đường dài của mười hai năm học.
Những ngày cuối cấp, tôi bộn bề với sách vở và những buổi học dày đặc. Trong khi tôi đang miệt mài với những bài tích phân, đạo hàm, những phương trình hóa học thì cha đang đội nắng, đội mưa ngoài đồng ruộng, chăm từng bông lúa, bón từng gốc dưa. Cái nghề vất vả, “bán mặt cho đất bán lưng cho trời" ấy đã nuôi tôi lớn khôn nên tôi quý biết bao những người nông dân một nắng hai sương như cha.
Cha luôn nói với tôi: “Làm ruộng cực khổ lắm, phải dựa vào thời tiết. Năm nào thiên tai dịch hại coi như mất trắng, con ráng học giỏi để sau này dựa vào cái chữ mà sống cho sung sướng, cha có làm cực đến đâu cũng được miễn con học giỏi là cha vui hơn người ta cho vàng, cho bạc".
Cha tôi luôn lo lắng và quan tâm việc học của chị em tôi. Sau khi làm đồng về cha lại tất tả vào trường rước tôi rồi đưa tôi đến lớp luyện thi. Những ngày ấy tôi phờ phạc thấy rõ, lớp luyện thi lại đông, hàng trăm con mắt cố gắng ngước lên bảng để theo dõi bài giảng của cô trong cái không khí ngột ngạt của căn phòng nhỏ. Biết tôi vẫn phải ngồi bàn cuối vì đi trễ nên cha đã cố gắng làm luôn cả buổi trưa, chiều về sớm hơn đưa tôi đến lớp sớm để có chỗ ngồi tốt.
Tôi không thể nào quên được những ngày mưa như trút nước, chiếc xe Honda cũ của cha cứ trở chứng, đi được vài mét lại chết máy, cha cứ phải lau khô và thổi mạnh vào bugi đến mấy lần nó mới chịu chạy. Lúc ấy nhìn tấm lưng đã ướt đẫm của cha, tôi chực trào nước mắt.
Vì nhà khá xa, lại học buổi tối nên cha thường ở lại đợi đón tôi. Cha không vào quán cà phê để giết thời gian mà ngồi ở công viên gần đó đợi mặc cho sương buông xuống thấm vào làn áo mỏng lạnh buốt. Cha nói ngồi ở quán cà phê chật chội cha không thích, ngồi ở công viên thoáng mát hơn, nhưng tôi biết cha muốn tiết kiệm để tháng sau có đủ tiền đóng học phí.
Có những ngày mưa, tôi tan học đã thấy cha co rúm trong chiếc áo mưa đợi tôi tự lúc nào. Cha đưa tôi trái bắp nướng thơm lừng, giục tôi ăn cho ấm, trong khi tay cha đang run và môi cha thâm đi vì lạnh.
Tất cả những gì tôi có thể làm để cha vui lòng lúc đó chỉ là cố gắng học thật tốt, tấm bằng khen học sinh giỏi cấp tỉnh tôi mang về nhà là tất cả niềm vui của cha: “Cha hãnh diện vì con gái của cha, với cha niềm vui lớn nhất là những thành quả mà con và chị mang về, hãy cố gắng học tốt và thi đậu đại học".
Từ nhỏ tôi đã ước mơ trở thành giáo viên dạy toán, thế nên tôi chăm chút rất kỹ cho đợt thi đại học khối A. Ngày tôi đi thi, cha đã dậy từ rất sớm chuẩn bị mọi thứ đưa tôi lên thành phố. Cha đưa tôi vào một quán phở nổi tiếng tẩm bổ trước khi thi, còn cha chỉ ăn một ổ bánh mì lạt rồi đợi tôi ở cổng trường suốt ngày thi hôm ấy.
Tôi tâm huyết cho kỳ thi bao nhiêu thì áp lực lại đè nặng bấy nhiêu. Tôi đã không hoàn thành được bài thi hôm ấy. Bao nhiêu ngày đèn sách của tôi, bao nhiêu cơn mưa cha đứng đợi tôi coi như mất tất cả.
Tôi hụt hẫng, tuyệt vọng, tôi biết cha sẽ buồn lắm, nhưng cha đã không thất vọng như tôi nghĩ. Cha mỉm cười và nói với tôi: “Không sao đâu, con cứ cố gắng đợt thi thứ hai, cha tin con làm được”. Như được tiếp thêm sức mạnh tôi lao vào ôn thi khối D, dù biết sẽ rất khó để bắt đầu lại và ôn thi trong một thời gian ngắn, nhưng ánh mắt, lời khuyên của cha đã cho tôi động lực để mạnh mẽ bước tiếp chặng đường còn lại.
Ngày tôi đậu đại học, cha lặng lẽ nhìn tôi mỉm cười. Tôi biết rằng cha đang mừng cho thành công của tôi và vui vì tôi đã biết đứng lên từ thất bại.
***
Tôi lên thành phố, cuộc sống mới mở ra trước mắt tôi và tôi hiểu rằng mọi thứ không phải đơn giản mà có được. Tôi va chạm nhiều hơn, để rồi nhận ra tình cảm của những người xung quanh không chỉ đơn thuần là yêu thương như cha mẹ đã yêu thương tôi. Tôi đã bật khóc khi nhìn thấy bóng dáng quen thuộc của cha đứng đợi tôi ở bến xe sau bao ngày xa nhà.
Những ngày tháng đầu xa nhà thật vất vả, tôi không chịu được cái nóng của đất trời Thủ Đức và tôi đã bệnh ngay từ lần gió chuyển mùa đầu tiên. Cha vượt hơn 60 cây số để đón tôi về và lại đi ngần ấy quãng đường đưa tôi trở lại trường, cứ thế cha đã đưa rước tôi những tháng đầu đến khi tôi khỏi bệnh và dần quen với cuộc sống xa nhà. Tôi thật hạnh phúc khi có người cha như thế.
Từ cánh đồng lúa bao la quê nhà, tôi đã bay đến bến bờ mới của tri thức bằng đôi cánh vững chắc mà cha đã tạo cho và tập bước đi mạnh mẽ trên đôi chân của mình. Dù bất cứ nơi đâu tôi cũng biết rằng ở quê xa cha đang dõi theo từng bước chân tôi và sẵn sàng nâng tôi đứng lên nếu tôi vấp ngã hay thất bại trong đường đời.
Giờ tôi đã học năm hai, đã quen với cách sống nhộn nhịp của thành phố, cũng biết tự lo cho mình những khi bệnh tật, ốm đau, nhưng với cha tôi vẫn chỉ là cô bé ngày nào cha đưa đi học trên chiếc xe đạp cũ 14 năm trước.
Nếu cuộc đời có những thứ chúng ta phải nhớ và phải ghi thì với tôi, hình ảnh cha trong chiếc áo mưa cũ đợi tôi ngoài cửa lớp sẽ mãi không bao giờ có thể xóa nhòa. Tình cha thiêng liêng quá, ngàn lời tri ân không thể đền đáp được công lao tựa biển trời. Con gái kính gửi đến cha lời tri ân sâu sắc nhất từ tận đáy lòng. Kính yêu cha!
ĐẶNG THỊ NGỌC HIỀN (nguồn: www.netbuttrian.vn)