Tiết học toán đầu tiên ở ngôi trường mới làm tôi thật sốc. Bản thân là đứa học giỏi toán thế mà đúng câu hỏi dễ tôi lại như người bị xịt keo, trả lời sai bét, làm cả lớp có trận cười no nê. Từ đó, tôi bỗng dưng có một nỗi sợ với môn toán lẫn thầy dạy toán.
Trường tôi có một thông lệ là những môn chính sẽ do một giáo viên đảm nhiệm trong ba năm, thế là tôi đối diện với thầy trong ba năm cấp III ấy. Dần dần tôi cũng quen và học tốt hơn, điểm toán không cao nhưng điểm trung bình các môn cũng thuộc hàng top của lớp, nhưng toán không còn là niềm đam mê như khi xưa nữa.
Ở thị xã hầu như đứa nào cũng đi học thêm, còn tôi là một đứa lười biếng nên làm gì có chuyện học thêm, mà mọi người luôn đi học đúng giáo viên trong lớp vì mong muốn kiểm tra đúng đề. Tôi lại càng bất an hơn, sợ bị "đì" nhưng vẫn không đi học do tốn tiền và quá lười. Ngày qua ngày, tôi đạp xe vào nhà sách để… đọc truyện.
Đến lớp 12, thầy cho làm bài kiểm tra thường xuyên. Tôi vẫn làm bài tốt và rất nhiều lần chỉ bài bạn. Thầy thấy, thế là tôi bị thu bài sớm nhưng may mắn tôi đã làm xong. Tôi không sợ điểm thấp nhưng rất sợ những ánh mắt ái ngại của bạn bè dành cho tôi, mà tôi có hỏi bài đâu chứ, tôi chỉ đứa kế bên kia mà. Tôi ức lắm nhưng không biết làm sao và vốn dĩ cái tự tôn của tôi bằng trời.
Lại thêm một lần kiểm tra tương tự nữa, lần này tôi cũng làm xong, cũng chỉ bài bạn, có lẽ như cái tuổi nổi loạn ấy thì chỉ bài bạn là cách thể hiện đẳng cấp và tình cảm bạn bè hay sao ấy. Kịch bản tương tự diễn ra, tôi bị thầy nhắc kêu nộp bài kèm theo đó là một câu mắng khiến tôi choáng váng: “Diệp, sao lần nào em cũng hỏi bài bạn vậy, không biết thì thôi, sao em quan trọng thành tích đến vây chứ? Tất cả chỉ là điểm ảo”.
Lúc đó tôi rất sốc, tôi khóc nức nở, khóc vì oan ức. Tôi làm gì hỏi bài đứa nào đâu, tôi làm được hết cơ mà. Từ đó hình ảnh thầy trong tôi càng đáng sợ hơn, sao thầy ghét mình thế, mấy bạn trong lớp có bị thế đâu? Và cuối cùng tôi kết luận rằng mình không đi học thêm thầy nên thầy ghét phải rồi. Lúc đó tôi thật kinh tởm thầy, không lẽ chỉ vì tiền mà thầy đối xử với tôi như thế. Tôi ghét lắm, sợ và cả ám ảnh nữa.
Thế rồi mùa thi cũng đến, tôi thi ĐH Bách khoa và ĐH Y dược, may mắn thay tôi đậu cả hai. Lúc đó tôi nghĩ trong đầu: Thầy mà biết được thì sốc cho coi, đứa thầy ghét lại trong top đậu cao của trường, lúc này ai dám nói tôi hỏi bài coi. Tôi hả hê lắm lắm.
Bẵng đi mấy năm đại học, lớp tôi họp lớp, tôi cũng không thèm đi mặc dù chính tôi là chủ xị vụ này với lý do chỉ mình tôi biết: thăm thầy toán. Tôi mất tích ngần ấy năm đại học. Tình cờ lúc về thăm nhà, ngồi nói chuyện với cha tôi, cha mới nói có ông thầy nào đó thường ghé hỏi thăm con lắm.
Tôi ngạc nhiên và mới vỡ lẽ đó là thầy, tôi không thể hiểu nổi. Thầy ghét tôi đến thế cơ mà. Gặp lại vài đứa bạn cũ, nói chuyện tầm phào với tụi nó, tôi mới hiểu ra rằng trong ngần ấy năm qua thầy luôn luôn dõi theo tôi bằng nhiều cách. Thầy luôn biết được tôi đang ở khu vực nào, sống và học tập ra sao.
Thế đấy bạn ạ, có những sự việc xảy ra làm chúng ta không thể hiểu nổi nhưng đến một lúc nào đó ta chợt hiểu ra rằng: “Mọi việc đều có lý do của nó”. Tôi nhận ra thầy làm thế chỉ để tôi vững vàng, cứng rắn, có cách đối xử đúng đắn hơn với bạn bè và người xung quanh chứ không phải bằng sự ngông cuồng và hiếu thắng.
Cuộc sống của một kiếp người cũng lạ thay, quan tâm thì cứ thể hiện, sao cứ mãi giấu giếm gây ra nhiều sự hiểu lầm. Dẫu biết có những hiểu lầm khi biết được thì hạnh phúc đến nhường nào.
Có lẽ trong một lúc nào đó, ở độ tuổi nào đó, ta nhìn nhận vấn đề theo sự nông nổi và cái tôi của bản thân, để rồi căm ghét và oán giận một người nào đó. Nhưng đến khi trưởng thành hơn, đủ sáng suốt hơn thì nhận ra rằng những người đó chấp nhận cho ta ghét họ, hận họ để ta cố gắng hơn. Họ gieo vào đầu ta sự giận dữ, căm ghét để rồi ta thay đổi và phấn đấu theo hướng tích cực. Thầy tôi là thế đó. Cuộc sống thật đẹp khi ta hiểu ra những tình cảm chân thành nhất.
PHẠM THỊ NGỌC DIỆP
Nét bút tri ân
Nguồn : tuoitre.vn