CHỦ ĐỀ: THÁNG 9 - AN TOÀN GIAO THÔNG
LỚP 11A3
Kính thưa thầy Hiệu trưởng, thầy Hiệu phó, thầy Tổng quản nhiệm, quý thầy cô và toàn thể các bạn học sinh thân mến
Hôm nay chúng em đại diện cho đại gia đình 11A3 lên báo cáo đọc sách của tuần này. Và chủ đề đọc sách chúng em muốn mang đến ngày hôm nay là “Vấn đề an toàn giao thông hiện nay “
Như chúng ta đã biết, nhu cầu đi lại, tham gia giao thông là việc tất yếu của mỗi cá nhân nên tai nạn giao thông đang là vấn đề nhức nhối được xã hội quan tâm và trở thành hiểm họa đối với bất kì ai khi tham gia giao thông. Trên thực tế tai nạn giao thông đang diễn ra từng ngày, từng giờ và có thể cướp đi mạng sống của con người bất kì lúc nào. Đáng buồn hơn khi không ít những nạn nhân của tai nạn giao thông là học sinh, sinh viên chúng ta. Vậy tuổi trẻ học đường phải suy nghĩ và hành động thế nào để góp phần làm giảm tai nạn giao thông cho xã hội.
Hiện nay trên phạm vi toàn cầu, tai nạn giao thông là một trong những nguyên nhân gây tử vong nhiều nhất cho mọi người. Trung bình làm chết trên dưới 1 triệu người và bị thương hàng chục triệu người mỗi năm. Chỉ tính riêng trong năm 2002, tai nạn giao thông trên thế giới đã làm cho 1,2 triệu người thiệt mạng và 50 triệu người bị thương. Hàng năm, số vụ tai nạn giao thông lại tăng thêm 10% con số này ở các nước nghèo và đang phát triển cao hơn so với các nước công nghiệp phát triển. Phổ biến nhất hiện nay trong phần lớn các quốc gia là tai nạn giao thông đường bộ gây tử vong hàng đầu cho xã hội. Loại tai nạn này thường xảy ra đối với ô tô và xe gắn máy khi đi trên các tuyến đường bộ hay các tuyến đường dành riêng cho người đi bộ. Ngoài ra còn có các loại tai nạn giao thông khác như tai nạn giao thông đường sắt, tai nạn giao thông đường thuỷ hoặc tai nạn giao thông đường hàng không…
Và đáng báo động hơn cả, là tình hình giao thông của một nước đang phát triển như Việt Nam hiện nay. Theo thông tin từ Cục Cảnh sát giao thông - Bộ Công an cho biết, 6 tháng đầu năm 2021, toàn quốc xảy ra 6.340 vụ tai nạn giao thông. Trong số này, trên lĩnh vực đường bộ xảy ra 6.278 vụ tai nạn giao thông, làm chết 3.147 người, bị thương 4.465 người.
Vậy tai nạn giao thông được hiểu trên những phương diện như thế nào? Khi tham gia giao thông trên đường, bất ngờ ta bị tai nạn do nguyên nhân chủ quan hoặc khách quan. Nhẹ thì chỉ thiệt hại về tài sản, nặng thì để lại thương tật suốt đời hoặc thậm chí là mất cả tính mạng, để lại biết bao đau thương, tiếc nuối cho những người thân. Từ khi con người sáng chế ra những phương tiện để di chuyển thì cũng đồng nghĩa với việc xuất hiện tai nạn giao thông, dù là ở nhiều hình thức khác nhau. Vậy vì đâu mà tai nạn giao thông lại xảy ra một cách quá phổ biến như vậy? Có nhiều lý do để giải thích, như ở trên là do nguyên nhân khách quan và chủ quan mà nguyên nhân chủ quan lại chiếm đa số. Xét về nguyên nhân khách quan, những yếu tố môi trường tự nhiên như: thời tiết, ô nhiễm không khí, ô nhiễm môi trường, yếu tố môi trường xã hội như: mặt trái của nền kinh tế thị trường … đã ảnh hưởng gián tiếp đến văn hóa giao thông của người tham gia giao thông, cơ sở hạ tầng của rất nhiều tuyến đường kém chất lượng gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng cho người tham gia giao thông.
Nguyên nhân chủ quan thứ nhất là do sự thiếu hiểu biết. Số đông dân chúng còn có quan niệm rằng tai nạn nói chung và tai nạn giao thông nói riêng là do số mệnh con người quyết định. Họ không thấy rằng phần lớn tai nạn giao thông là có thể phòng tránh được. Nguyên nhân chủ quan thứ hai là mặc dù có hiểu biết về luật giao thông nhưng do ý thức kém nên đã không chấp hành: uống rượu bia khi lái xe, không đội mũ bảo hiểm, chở trên ba người phóng nhanh vượt ẩu... Đây cũng là nguyên nhân phổ biến nhất, làm đau đầu các nhà quản lí. Và đặc biệt hơn cả, các nguyên nhân gây ra tai nạn giao thông chủ yếu là do học sinh, sinh viên.
Theo điều tra của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, gần 80% số người bị xử lý khi tham gia giao thông có độ tuổi từ 16 đến 35(chiếm 49% người chết), gần 80% sinh viên đi xe máy không có giấy phép lái xe, 95% sinh viên điều khiển xe sai kỹ thuật. Đặc biệt nhiều học sinh, sinh viên không có giấy phép lái xe vẫn sử dụng xe máy phân khối lớn đến trường. Có thể nói, hành vi vi phạm giao thông phổ biến nhất của sinh viên là chở quá số người quy định và không đội mũ bảo hiểm. Hình ảnh “năm anh em trên một chiếc xe máy” đã không còn xa lạ đối với người đi đường. Mỗi chiếc xe theo quy định chỉ được chở không quá hai người thì lại phải “oằn mình” chở ba, chở bốn… Những chiếc mũ bảo hiểm treo lơ lửng tại góc xe không được sử dụng. Nguy hiểm hơn cả là tình trạng phóng nhanh, vượt ẩu, lạng lách, đánh võng. Những bạn đầu đội trần phóng như bay trên khắp các tuyến đường, lạng lách, đánh võng gây nguy hiểm không chỉ cho bản thân mà còn cho những người xung quanh. Tất cả những hành vi vi phạm trên gây ra những hậu quả nghiêm trọng. Rất nhiều tai nạn đã xảy ra, chỉ vì một phút nông nổi mà nhiều bạn trẻ đã phải ra đi ngay khi ở độ tuổi mười tám, đôi mươi. Đó thật sự là con số đáng báo động về hậu quả của việc thiếu ý thức khi tham gia giao thông của giới trẻ hiện nay.
Để giảm thiểu những tình trạng gây tai nạn giao thông ở giới trẻ hiện nay, thì chúng ta phải có những biện pháp cụ thể từ phía nhà nước, nhà trường và giáo dục ý thức từ gia đình.
Đầu tiên, về phía Nhà nước, đã có cả một chế tài xử phạt nghiêm minh những hành vi vi phạm giao thông không chỉ cho học sinh, sinh viên mà cho tất cả mọi người.
Về phía nhà trường tổ chức tuyên truyền luật giao thông đối với học sinh. Các bạn học sinh không phải thực hiện theo cách đối phó mà hãy thực hiện vì chính sự an toàn của bản thân. Chúng ta phải cố gắng chấp hành luật giao thông thật tốt, góp một phần nhỏ nào đó làm giảm thiểu tai nạn giao thông, đem lại an toàn cho chính bản thân và những người xung quanh. Riêng về phần học sinh chúng ta những chủ nhân tương lai của đất nước, ngay bây giờ và tại đây khi còn ngồi trên ghế nhà trường chúng ta hãy học thuộc và nắm vững luật an toàn giao thông.
Tóm lại, tai nạn giao thông là một vấn đề bức bách cần giải quyết. Vấn đề này cần sự ý thức trách nhiệm và hành động cụ thể của từng cá nhân trong xã hội này đặc biệt là học sinh sinh viên chúng ta phải là những tấm gương sáng, tích cực trong công tác tuyên truyền và thực hiện tốt luật an toàn giao thông. Hy vọng là một ngày gần đây, tình trạng tai nạn giao thông sẽ giảm thiểu tối đa, đem lại nhiều niềm vui cho những ai tham gia giao thông.