Đứng bên hồ Trúc Bạch, lúc đó gió lạnh lắm, vì trời lạnh nên mọi người cũng ra đường thưa hơn, ai cũng nhanh nhanh chóng chóng để về nhà. Bến xe buýt chỉ còn mình tôi và đứng nép bên gốc cây là một con bé ăn mày chừng 7 tuổi. Nhìn con bé đứng so so một mình cạnh gốc cây, tôi thấy thương lắm. Nhưng không hiểu sao, cảm giác khó chịu khi bị ăn mày đeo bám, làm phiền mỗi khi đi chơi cùng các bạn ở công viên làm tôi thấy ghê ghê, không muốn bắt chuyện. Tôi lạnh lùng quay đi.
Biết tôi nhìn về phía mình, con bé chạy lại.
- Chị ơi! - Nó gọi.
- Cái gì? - Tôi gắt lên, không giấu nổi vẻ khó chịu.
- Chị đi đâu về muộn vậy ạ? - Con bé bẽn lẽn hỏi.
- Việc gì tới em? - Tôi lạnh lùng đáp và cầu mong sao cho xe tới thật nhanh, để tôi lên xe, tránh bị con bé làm phiền.
Còn bé vẫn hồn nhiên, có thể vì nó bé quá nên không hiểu được cảm xúc của người lớn hay vì sống trong hoàn cảnh ấy nó quen rồi.
- Em cho chị cái này.
Tôi quay lại, vừa nói con bé vừa đưa cho tôi một quả táo rất to. Mắt tôi tròn xoe, tôi còn chưa hiểu gì, con bé vội giải thích:
- Chị ăn đi ạ. Cô vừa nãy cho em hai quả. Em ăn một quả rồi. Chị ăn đi, chắc chị cũng đói rồi.
Thật khó mà diễn tả được tâm trạng của tôi lúc này. Cảm động, xấu hổ, yêu thương đan xen. Tôi không còn sợ con bé làm phiền mình nữa. Xích lại gần hơn chỗ bé đứng, bàn tay vẫn nắm chặt lấy quả táo hướng về phía tôi.
- Chị cảm ơn em. Nhưng chị không đói đâu. Em ăn đi!
- Em tặng chị mà. Chị nhận cho em vui. Thấy các chị đi học em thích lắm. Nói rồi, con bé đưa mắt nhìn xa xăm.
Cảm giác yêu thương trào lên khóe mắt, tôi đưa tay đón nhận quả táo cùng với bao nhiêu tình cảm em gửi gắm trong đó. Rồi đưa tay nhìn đồng hồ, thấy đã 21g30 rồi. Giờ này nếu không có xe tức là sẽ không có xe nào chạy về công viên nước nữa.
- Em về đâu? - Tôi quay ra hỏi con bé.
- Em về Cầu Giấy chị ạ. Chắc giờ này hết xe 33 rồi. Em lên kia bắt xe 55 về Cầu Giấy đây chị ạ. Chị có đi cùng em không?
Khẽ gật đầu, tôi theo chân con bé đi bộ lên đường Yên Phụ. Con bé đưa bàn tay ra, nắm lấy tay tôi. Nó hồn nhiên nhảy chân sáo xung quanh tôi. Nãy giờ mải mê với bao nhiêu cảm xúc, tôi thậm chí còn không biết rằng trời lạnh thế này mà em chỉ mặc một manh áo rất mong manh và đi chân đất.
- Sao em không đi dép? Trời lạnh thế này mà.
Con bé ngước nhìn tôi cười cười:
- Em quen rồi chị ạ. Đi chân đất thế này em chạy nhanh hơn vì em hay bị người ta đuổi lắm, nên nếu đi dép, chạy khó lắm chị ạ.
Rồi em kể: Nhà em nghèo lắm, ở mãi tận Phú Thọ cơ. Bố em mất rồi. Mẹ em bỏ đi đâu đó từ khi em 4 tuổi, không thấy về nữa. Em sống với bà nội. Không có việc gì làm nên hai bà cháu đưa nhau xuống đây xin ăn. Ngày nào được nhiều cũng có vài ba chục để trả tiền trọ, ngày nào không xin được thì hai bà cháu nằm tạm ở bến tàu, bến xe.
Nghe em kể, tôi thấy sống mũi cay cay. Càng thấy thương em và ân hận về thái độ của mình lúc đầu. Em nói em không biết chữ, em chưa được đi học bao giờ nên thấy các anh chị đi học là em thích lắm. Rồi như thể tìm được một người bạn, em líu lo kể. “Em đi xin thế này cũng khổ lắm chị ạ. Có người họ thương thì họ cho. Có cô chú không cho còn đuổi đánh em, chửi rủa em thậm tệ. Thậm chí họ còn bảo em lại sắp ăn cắp đồ của họ nữa".
Chẳng mấy chốc chúng tôi đã đến điểm dừng xe buýt số 55. Thấy xe tới, tôi dúi vào tay em tờ 5.000 đồng và bảo:
- Chị cho em tiền đi xe buýt này.
Con bé giật tay tôi ra, lắc đầu:
- Không cần đâu chị ạ. Mấy bác lái xe này em quen hết ấy mà. Các bác ấy không lấy tiền của em đâu, chị cũng là học sinh, em không lấy tiền của chị.
Nói rồi, em chạy lên xe trước miệng ríu rít.
- Cháu chào các bác!
Bác lái xe đáp lại:
- Chào cháu. Hôm nay xin được nhiều không cháu?
Cô bé trả lời:
- Chán lắm bác ạ. Hôm nay trời lạnh nên chẳng có ai đi chơi. Cháu về Cầu Giấy xin vậy.
Ngồi ghế phía sau em, nhìn thân hình nhỏ bé, đen đúa, mái tóc vàng cháy vì nắng trời, bờ vai đang run lên từng đợt vì gió lạnh, tôi thấy thương em quá! Thi thoảng em quay lại nhìn tôi cười tinh nghịch.
Xe đến điểm công viên nước, tôi chào em rồi xuống xe. Thương em quá mà không biết làm gì giúp em. Tôi tháo cái khăn quàng trên cổ, quàng vào cổ em và xuống xe.
Cô bé cảm ơn tôi và dặn với theo: “Chị nhớ ăn quả táo đi nhé, em vừa ăn rồi. Ngọt lắm chị ạ”. Tiếng nói của em lảnh lót lẫn vào tiếng xe chạy và cửa xe đóng lại.
Tôi đi bộ về nhà, tay nắm chặt quả táo. Hình ảnh cô bé ăn mày chân đất, đứng so vai bên gốc cây cạnh hồ Trúc Bạch không khỏi ám ảnh tôi. Cảm ơn em đã cho tôi một bài học lớn về tình người, về sự sẻ chia.
Về nhà, tôi đặt quả táo lên bàn học. Mỗi khi ngồi vào bàn, tôi lại nâng quả táo lên, chỉ ngắm nhìn rồi lại đặt xuống. Chắc hẳn giờ này em vẫn đang lang thang ở một góc công viên nào đó. Cầu trời bớt lạnh, nhiều người đi chơi hơn để em có thể xin được nhiều. Bà cháu em không phải nằm ở bến tàu, bến xe ngủ qua đêm nay.
PHẠM THỊ MẬN (nguồn: www.netbuttrian.vn)
Theo tuoitre.vn